Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự Luật chưa thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Chiều 17/9, UBTV Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Chưa rõ quyền tự do ngôn luận trên báo chí

Điểm mới của Dự Luật so với Luật hiện hành là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, Dự Luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân. Chỉ nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại phiên họp. 	Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Hơn nữa, Dự Luật quy định đến 9 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, đã làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng: Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội…, nên sửa Luật phải trên tinh thần của Hiến pháp, giúp công dân thực hiện được quyền của công dân và hoạt động báo chí. Nhưng Dự Luật chỉ đi sâu vào nghề làm báo và quản lý báo chí, còn làm sao cho công dân thực hiện được quyền tự do báo chí của mình chưa thể hiện rõ.

Cũng nhấn mạnh đến vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, cuộc sống của dân là phản ánh chân thực nhất tác phẩm báo chí. Do đó công dân có quyền cung cấp thông tin hay viết bài.

Báo chí có phải là doanh nghiệp?

Điểm mới nữa đáng chú ý là Dự Luật là đã mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí. Trong đó, có cả các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty Nhà nước” được thành lập cơ quan báo chí. Theo lý giải của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), sự mở rộng này là phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Trả lời câu hỏi của các thành viên UBTV Quốc hội về việc có báo chí tư nhân không, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết: Trong quá trình xây dựng Dự Luật, nhiều người nói tự do báo chí nên phải có tư nhân làm báo chí, trong khi Dự Luật chưa đề cập đến pháp nhân cá nhân. Chủ trương của Đảng, quán triệt quan điểm báo chí của ta là báo chí cách mạng, không thương mại hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng. Một số trang tin điện tử, blog hiện nay hoạt động như báo chí nhưng không phải là báo chí thì không nằm trong dự luật này, Luật không đưa vào trang thông tin điện tử vì không thể hợp thức hóa báo chí tư nhân đó. Trang thông tin tổng hợp cũng không phải là báo chí, không điều chỉnh bởi luật này mà sẽ được điều chỉnh bởi luật khác. Luật này chỉ quy định với các cơ quan báo chí, hoạt động báo chí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Các loại hình báo chí hiện có nhiều loại hình, song báo điện tử lại đặt ở luật khác thì liệu đó có phải là Luật Báo chí. Đúng là hiện nay chưa cho phép báo chí tư nhân, song Dự Luật lại viết chỉ các cơ quan Nhà nước, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước, vậy hiện nay đang đẩy mạnh cổ phần hóa, các tập đoàn công ty Nhà nước sắp cổ phần hóa hết rồi vậy họ vẫn có quyền lập cơ quan báo chí hay không?

Dự thảo Luật quy định hai mô hình hoạt động của cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu và DN kinh doanh có điều kiện. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho rằng, thực tế hiện nay chỉ có 277/838 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các DN thuộc khối văn hóa. Do đó, Dự Luật cần phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí.

Ngoài ra, Dự Luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta để có những quy định phù hợp.