Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi: Khắc phục bất cập trong quản lý chất lượng không khí

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí ở nước ta thường trong tình trạng đáng báo động.

Đáng nói, tình trạng ô nhiễm biến thiên không theo quy luật nào, ví như tuần qua Hà Nội chỉ số AQI lại tăng cao vào ban đêm. Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện chất lượng không khí (CLKK) một cách bền vững, cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Bất cập trong các quy định 
Theo TS Bùi Đức Hiển - Viện Nhà nước và Pháp luật, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014 chỉ có quy định chung chung về bảo vệ, quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải, thiếu các quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí đối với mùi và quy chuẩn môi trường không khí trong nhà.
 Đốt rơm rạ là một phần nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
“Trong khi các quy định về BVMT trong nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại… đều được chú trọng thì quy định về quản lý CLKK hầu như chưa có (nghị định, quyết định, thông tư...). Đặc biệt, đang rất thiếu sự kết hợp quản lý CLKK giữa T.Ư và địa phương”- TS Hiển nói.
Tại hội thảo xoay quanh dự thảo Luật BVMT sửa đổi do Bộ TN&MT tổ chức chiều 8/6, các chuyên gia cũng cho rằng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực tế ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng là do hành lang pháp lý chưa đồng bộ và không đáp ứng kịp thời xu hướng phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí. Trong đó, các quy định đặc thù về kiểm soát ô nhiễm không khí còn thiếu; với các văn bản hiện hành tính cưỡng chế, tuân thủ chưa cao. Đặc biệt, chưa có quy định về giám sát quá trình xử lý khí thải của DN trong quá trình hoạt động, chưa triển khai hệ thống giấy phép khí thải…
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhận định: Chức năng, nhiệm vụ, thể chế và tổ chức quản lý môi trường không khí đô thị chưa rõ ràng, thiếu nhất quán giữa các ngành TN&MT, GTVT, xây dựng…
Bộ TN&MT được Chính phủ giao thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về môi trường trong đó có môi trường không khí nhưng tại Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg lại giao nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện CLKK đô thị cho Bộ GTVT. Chưa xác định được phạm vi trách nhiệm của Bộ TN&MT và các bộ, ngành khác trong kiểm soát, đánh giá nguồn thải.
Sẽ thống nhất về tiêu chuẩn khí thải
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, những vấn đề bất cập, khó khăn trong lĩnh vực quản lý CLKK, về thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng sẽ được khắc phục tại dự thảo Luật BVMT sửa đổi. Dự thảo cũng đã quy định, phân công rất rõ trách nhiệm thực hiện quản lý CLKK.
Theo đó, Bộ TN&MT chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý CLKK; ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải. Đồng thời cũng quy định rõ, UBND cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện.
“Việc quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên vùng, liên tỉnh là Thủ tướng Chính phủ và nội tỉnh là UBND cấp tỉnh là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, trường hợp xảy ra trong nội tỉnh, UBND tỉnh đủ thẩm quyền để ra lệnh, điều động các nguồn lực tại chỗ của tỉnh để ứng phó, xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. Riêng đối với trường hợp ô nhiễm không khí liên vùng, liên tỉnh thì phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ Thủ tướng Chính phủ tới các bộ, ngành, UBND các tỉnh chịu ảnh hưởng để huy động nguồn lực từ T.Ư tới địa phương ứng phó, xử lý” – ông Lê Hoài Nam nhận định.
Cũng theo ông Nam, quy định Bộ TN&MT xây dựng, ban hành quy chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông không phải là mới mà quy định thống nhất, xuyên suốt từ các quy định của Luật BVMT 2014. Dự thảo Luật BVMT sửa đổi, Bộ GTVT vẫn là cơ quan tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành...
Trong khuôn khổ hội thảo, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đề cập đến những bất cập trong ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn tới thực trạng tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông của Việt Nam hiện đang chạy theo tiêu chuẩn của thế giới, khiến máy móc nhập ở nước đang áp dụng tiêu chuẩn Euro 6 về Việt Nam lại phải bỏ thêm khoản chi phí nữa để điều chỉnh linh kiện, xử lý bộ phận xúc tác cho phù hợp với tiêu chuẩn trong nước.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Hoài Nam cho biết, dự kiến trong tuần này, Bộ TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT họp, thống nhất về nội dung áp dụng tiêu chuẩn khí thải quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải để trình Thủ tướng Chính phủ.

"Bộ Môi trường Hàn Quốc đã ban hành Luật đặc biệt về cải thiện CLKK đô thị tại Seoul vào tháng 12/2003. Dựa vào đó, các giải pháp đặc biệt để cải thiện CLKK đô thị trong vòng 10 năm, từ 2005 - 2014 được thực thi, đưa ra hạn ngạch phát thải cho từng lĩnh vực và tổng lượng phát thải của từng khu vực. Vì thế, CLKK của Hàn Quốc đã được cải thiện rõ rệt." - Nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc TS Kim In Wan