Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi): Áp dụng biện pháp mạnh để bảo vệ người tố cáo

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những bất cập của Luật Tố cáo hiện nay, theo Thanh tra Chính phủ là do chưa có một cơ chế bảo vệ người tố cáo hiệu quả.

Do đó, vấn đề đặt ra là khi sửa luật này, cần quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo.

Đại tá Đinh Đình Phú (đứng) – người hùng chống tham nhũng (Đồ Sơn, Hải Phòng) tại buổi ra mắt hồi ký  “Chiến công thầm lặng” tháng 11/2016.

Việc thực hiện quyền tố cáo của công dân trong thời gian qua theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều trường hợp, người tố cáo bị trả thù, trù dập nhưng không được các cơ quan Nhà nước bảo vệ. Thực tiễn giải quyết tố cáo của cơ quan Nhà nước cho thấy tố cáo nặc danh, mạo danh chiếm một tỷ lệ đáng kể. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chưa có một cơ chế bảo vệ người tố cáo hiệu quả để người dân tin tưởng và mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo của mình, đặc biệt là những tố cáo hành vi tham nhũng.
Luật Tố cáo hiện hành cũng đã ghi nhận một số nguyên tắc và biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa cụ thể, khó thực hiện, chưa tạo nên thiết chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất.
Sửa đổi Luật Tố cáo, theo Thanh tra Chính phủ, việc xác định các biện pháp bảo vệ người tố cáo phải quy định cụ thể, chi tiết về nội dung các biện pháp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng đối với các nhóm nguy cơ xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đối với người tố cáo hoặc người thân thích của người tố cáo, có các quy định ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện bảo vệ người tố cáo. Đồng thời, quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan hành chính, cơ quan bảo vệ pháp luật và mối quan hệ giữa các cơ quan này trong việc bảo vệ người tố cáo.
Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi kế thừa các quy định của Luật Tố cáo hiện hành, phát triển và Luật hóa các quy định tại Nghị định số 76/2012/NĐ-CP. Theo đó, quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo theo từng nhóm nguy cơ xâm phạm đến người tố cáo được bảo vệ và các quy định liên quan để thực hiện và triển khai việc bảo vệ người tố cáo trên thực tế, gồm bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo. Dự thảo Luật cũng quy định trong quá trình giải quyết tố cáo khi có căn cứ cho rằng người tố cáo, người thân thích của người tố cáo bị người có thẩm quyền quản lý, sử dụng có hành vi trù dập, phân biệt đối xử hoặc thuyên chuyển công tác dẫn đến giảm thu nhập, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì cơ quan giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp theo quy định để bảo vệ người bị phân biệt đối xử. Ngoài ra, để phù hợp với thực tiễn, Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
Quy định nêu trên góp phần hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, khuyến khích người tố cáo đúng sự thật. Với các quy định này, người dân sẽ tích cực, dũng cảm tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tố cáo các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; hạn chế, loại trừ những vụ việc người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập. Việc quy định như trên và việc tổ chức thực hiện tốt sẽ dẫn đến hạn chế các đơn thư, tố cáo nặc danh, mạo danh gây dư luận xấu trong các cơ quan, tổ chức.