Tuy nhiên, những điểm mới này khi áp dụng liệu có hiệu quả và khả thi?
Cởi mở hơn
Đây là điều dễ dàng nhận ra khi so sánh Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới mà Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp so với Quy chuẩn QCVN103: 2019/BGTVT do chính cơ quan này ban hành trước đó và đang có hiệu lực thi hành. Đơn cử như quy định thiết bị tối thiểu tại mỗi dây chuyền kiểm định, dự thảo đề xuất các thiết bị được dùng chung giữa các dây chuyền.
Bên cạnh đó, mỗi dây chuyền không nhất thiết phải trang bị đủ các thiết bị: phân tích khí xả, đo độ khói, đo âm lượng, kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước; mà có thể dùng chung cho các dây chuyền… Trong khi thiết bị cân cũng chỉ yêu cầu đối với đơn vị đăng kiểm thực hiện nghiệm thu cải tạo xe cơ giới. Những quy định mang tính “mở” trên được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, đồng thời sẽ góp phần giảm áp lực chi phí đầu tư các trung tâm đăng kiểm.
Bên cạnh việc “cởi mở” quy định về thiết bị tối thiểu thì dự thảo quy chuẩn mới cũng bổ sung một số quy định mới mang tính chất siết chặt nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đăng kiểm cũng như tăng tính bảo mật cho hoạt động này.
Cụ thể, quy chuẩn bổ sung yêu cầu đối với kích nâng được lắp đặt trên hầm kiểm tra phải bảo đảm các phần của kích nâng ở trạng thái chưa làm việc không được nhô cao quá so với sàn xưởng kiểm định 25mm; khoảng cách từ điểm gần nhất của kích nâng đến điểm đầu chiều dài làm việc của hầm kiểm tra tối thiểu 1,5m để đăng kiểm viên có đủ không gian thực hiện việc kiểm tra. Hay như trường hợp lắp đặt cầu nâng thay thế hầm kiểm tra thì cầu nâng phải có sức nâng tối thiểu 5 tấn, có khả năng điều chỉnh phù hợp với từng loại xe, có chiều cao nâng tối thiểu 1,3m...
Đặc biệt, dự thảo quy chuẩn mới đã bổ sung yêu cầu về bảo mật dữ liệu, ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài vào dữ liệu, kết quả kiểm định xe cơ giới. Theo đó, phần mềm điều khiển thiết bị tại các trung tâm đăng kiểm phải có khả năng ngăn việc can thiệp trực tiếp bởi người dùng, hoặc ngăn can thiệp qua phần mềm độc hại nhằm làm sai lệch kết quả kiểm tra của thiết bị.
Phần mềm phải hiển thị, mã hóa dữ liệu; sau nâng cấp không cho phép tiếp tục cài phần mềm phiên bản cũ hơn và kết nối với dữ liệu tại máy chủ của đơn vị đăng kiểm. Cùng với đó, dự thảo quy chuẩn cũng bổ sung yêu cầu về kỹ thuật để ngăn can thiệp vào kết quả kiểm tra khí xả, kiểm tra phanh, đèn chiếu sáng phía trước. Về kiểm tra khí xả, bổ sung yêu cầu lắp đặt, trang bị cơ cấu ngăn chặn việc can thiệp vào cảm biến lấy mẫu để thay đổi kết quả kiểm tra (khí xả).
Phải có chế tài rõ ràng
Theo các chuyên gia, những quy định mang tính chất “vừa đóng vừa mở” mà dự thảo quy chuẩn mới đưa ra nếu có thể áp dụng vào thực tế sẽ mang lại nhiều điều mới mẻ cho hoạt động đăng kiểm trong thời gian tới. Trong đó, quy định bổ sung yêu cầu bảo mật dữ liệu ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài vào dữ liệu là rất cần thiết để siết chặt công tác quản lý, hạn chế tiêu cực, sai phạm xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm.
Đây được coi là yếu tố cốt lõi giúp ngành đăng kiểm sàng lọc hết những “hạt sạn”, làm sạch bộ máy và nâng cao chất lượng dịch vụ đăng kiểm trong tương lai gần. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ phần mềm bảo mật dữ liệu theo yêu cầu kia có thật sự phát huy được tác dụng như kỳ vọng hay không mới là điều quan trọng nhất.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá cao việc dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thay thế Quy chuẩn QCVN103: 2019/BGTVT bổ sung quy định yêu cầu về bảo mật dữ liệu, ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài vào dữ liệu, kết quả kiểm định xe cơ giới. “Việc bảo mật dữ liệu đăng kiểm, ngăn chặn tình trạng xâm nhập dữ liệu là điều rất cần thiết và quan trọng.
Tuy nhiên, vấn đề là liệu phần mềm đó có bảo đảm ngăn chặn được sự xâm nhập từ bên ngoài hay không? – PGS.TS Bùi Thị An nói và nhấn mạnh, nếu phần mềm bảo mật thật sự bảo mật được dữ liệu đăng kiểm là rất tốt song làm chính sách phải có tính dự báo và đặt ra mọi tình huống. Do vậy, bà Bùi Thị An cho rằng, cần có chế tài cụ thể đối với các cá nhân, tập thể liên quan trong trường hợp phần mềm bảo mật dữ liệu không thể bảo mật được và tình trạng xâm nhập vào hệ thống dữ liệu đăng kiểm vẫn xảy ra. “Phải quy định rõ, nếu trường hợp đó xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT, trước Nhân dân?” – PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Trên thực tế, câu hỏi mà PGS.TS Bùi Thị An đặt ra là rất thích đáng bởi trước khi vụ bê bối chấn động ngành đăng kiểm xảy ra vào cuối năm 2022, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã từng hô hào rất nhiều về việc tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ để giám sát tự động, từ xa.
Thậm chí, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khi đó là ông Trần Kỳ Hình trong một lần trả lời báo chí vào năm 2020 đã khẳng định sẽ thay thế phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc từ cơ chế offline bằng chương trình trực tuyến đồng thời kiểm soát xe bằng mã định danh tự động xe ô tô và quản lý qua hệ thống giám sát tập trung để phát hiện sai phạm. Ông Trần Anh Quân, khi đó là quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng tiết lộ rằng từ giữa tháng 10/2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã yêu cầu về hệ thống giám sát tự động bằng camera tại các trung tâm đăng kiểm chặt chẽ hơn trước.
Các đơn vị đăng kiểm phải trang bị loại camera giám sát 360 độ, có độ zoom lớn hơn và bảo đảm theo dõi được tất cả các công đoạn kiểm tra xe. Hệ thống máy chủ giám sát bằng hình ảnh tại Cục cũng được nâng cấp để nâng hiệu quả giám sát. Tuy nhiên, kết quả là tiêu cực vẫn xảy ra với ngành đăng kiểm. Thậm chí, vào năm 2022, ngay trước thời điểm vụ bê bối xảy ra trong ngành đăng kiểm bị phanh phui, chính Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thừa nhận tình trạng gian lận bằng cách can thiệp vào phần mềm để chỉnh sửa dữ liệu kiểm định phương tiện trên máy tính xảy ra tại một số trung tâm đăng kiểm.
Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thay thế Quy chuẩn QCVN103: 2019/BGTVT cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT trong thực hiện quy chuẩn để phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Thời hạn lấy ý kiến đóng góp dự thảo quy chuẩn trên đến hết ngày 5/11/2023.