Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo quy định nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến lớp: Nhiều bất cập, lắm băn khoăn

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin các cơ sở mầm non (MN) được phép nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục năm 2017, đa số ý kiến cho rằng rất khó khả thi.

Người mừng, kẻ lo

Dù quy định này mới chỉ là dự thảo nhưng chị Nguyễn Bích Hạnh hiện đang làm công nhân tại KCN Thăng Long (Hà Nội) phấn khởi cho biết, nếu các cơ sở MN nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi thì sẽ "cởi trói" cho những người công nhân phải làm ca như chị. “Cả 2 vợ chồng tôi đều làm công nhân ở KCN, lương 2 người chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng, trong khi rất nhiều khoản phải chi như tiền ăn, tiền thuê nhà, điện, nước... Vì vậy, sau khi nghỉ thai sản vài tháng, tôi muốn đi làm để có thêm thu nhập. Nhưng vấn đề gửi con rất nan giải, nếu quy định này được thực hiện, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều công nhân" - chị Hạnh chia sẻ.

Bữa sáng của trẻ mầm non. Ảnh: Trung Anh

Trái ngược với ý kiến của chị Hạnh, cô giáo Nguyễn Thị Hòa - lớp mẫu giáo lớn, trường MN thị trấn Vân Đình, (Ứng Hòa, Hà Nội) đã trên 10 năm kinh nghiệm trông trẻ cho biết, quy định độ tuổi trông trẻ từ 3 tháng là quá sớm. Đây là thời gian trẻ cần được bú mẹ nên sẽ ít gia đình cho trẻ đi lớp. Các trường công lập, kể cả tư thục cũng sẽ ít khi nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, có chăng chỉ là các nhóm trẻ tư thục nhận một vài cháu. “Để trông trẻ ở lứa tuổi này là rất khó, vì các con còn quá nhỏ, đòi hỏi kiến thức chăm trẻ phù hợp. Như ở lớp tôi hiện nay, 2 giáo viên (GV)/38 cháu đã vô cùng vất vả, thế nên để nhận trông trẻ 3 tháng tuổi là thiếu thực tế” – cô Hòa nhận định.

Tương tự, cô Mai Thị Thanh - GV một trường MN tư thục ở Hà Nội cũng băn khoăn, nếu cho trẻ mới 3 tháng tuổi đi lớp là quá sớm. Do đó, cần cân nhắc lại vì phải tính tới yếu tố thực tế, từ cơ sở vật chất, đội ngũ GV, chế độ cho GV MN…

"Trong khi bạo lực học đường gia tăng, nhất là ở các trường MN, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đạo đức nhà giáo còn nhiều điều đáng bàn, sẽ rất ít gia đình dám gửi con khi mới 3 tháng tuổi, kể cả trường MN tư thục. Thực tế, một số trường đã thí điểm nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi nhưng đều không thành công. Vả lại, GV sẽ rất vất vả khi phải trông trẻ quá bé, trong khi chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, áp lực này ắt sẽ nảy sinh những tiêu cực khó lường. Vì vậy, theo tôi, ngành giáo dục nên cân nhắc lại quy định này." - Chị Nguyễn Thúy Hà - (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội)

Khó khả thi

Thiếu cơ sở vật chất, GV là khó khăn chung của cả trường công lập và tư thục, nhất là tại các TP lớn, bởi sĩ số trẻ/lớp luôn ở mức cao, thậm chí có nơi lên đến 70 trẻ/lớp. Theo ghi nhận tại các trường trên địa bàn Hà Nội, cơ sở vật chất và đội ngũ GV là hai rào cản lớn nhất trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ MN hiện nay. Vì vậy, chủ trương nhận trẻ từ 3 tháng tuổi của Bộ GD&ĐT đang là áp lực không nhỏ với các trường.

Hiệu trưởng trường MN thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) Nguyễn Thị Hường cho rằng, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là vùng nông thôn sẽ không thể đáp ứng được việc nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi. Hiện nhà trường cũng chỉ nhận trẻ từ 24 - 36 tháng vì không đủ điều kiện để đáp ứng cho lứa tuổi bé. “Để chăm trẻ 3 tháng tuổi đòi hỏi phải tăng đội ngũ GV, cơ sở vật chất… Ví dụ, chăm 5 - 7 trẻ ít nhất cần từ 3 GV, bên cạnh đó, mức lương sẽ tính ra sao? Thực tế, GV MN đã rất khó khăn, vất vả, mỗi lớp từ 30 - 40 cháu/2 cô, nhưng cũng chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng tiền lương mỗi tháng. Với mức lương này, sẽ khó tuyển được GV MN, đặc biệt là những GV tâm huyết với nghề” – bà Hường cho biết. Theo bà Hường để đáp ứng được thực tế, trước hết Nhà nước phải đầu tư cơ sở vật chất. Thứ 2, quan tâm đến chế độ đãi ngộ, đảm bảo được đời sống GV mới thu hút được GV vào ngành sư phạm MN. Hơn nữa, cần bồi dưỡng kiến thức cho sinh viên sư phạm MN ngay từ trong nhà trường, chăm sóc trẻ nhỏ, kiến thức sẽ khác với chăm sóc trẻ lớn.

Cùng quan điểm này, bà Đường Thị Lệ - Phó phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, quy định của dự thảo là chưa hợp lý và thiếu tính thực tế. Bởi đối với trẻ 3 tháng tuổi, chỉ có người mẹ chăm sóc con là tốt nhất, các cô giáo MN, nhất là GV trẻ chưa có kinh nghiệm, khó đảm đương được công việc. Bà Lệ cũng như nhiều GV khác đều nêu quan điểm, đây là mong muốn, là chính sách rất nhân văn, nhưng không khả thi. Bởi vậy, nếu muốn thực hiện, phải thay đổi căn bản toàn diện, bắt đầu từ đào tạo GV đến đầu tư cơ sở vật chất cũng như chế độ đãi ngộ GV. "Khi các điều kiện chưa sẵn sàng, đừng để GV vốn đã khó khăn lại càng nặng gánh" - bà Lệ nhấn mạnh.

"Đề xuất nhận trẻ từ 3 tháng đến dưới 6 tuổi là có cơ sở, bởi hiện nay có khá nhiều bà mẹ nghỉ trước sinh từ 2 - 3 tháng, theo chế độ thai sản chỉ được nghỉ 6 tháng. Vậy khi đi làm, con họ mới được 3 tháng tuổi, nếu không có chỗ gửi con sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình công nhân, vì điều kiện kinh tế, họ phải đi làm khi con chưa đủ tuổi đi trẻ. Quy định cho phép các trường MN nhận trẻ 3 tháng tuổi là tạo điều kiện cho người lao động. Tuy nhiên, hầu hết các trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng và trình độ chuyên môn của GV để chăm sóc trẻ độ tuổi này."- Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT)

"Bộ GD&ĐT cần cân nhắc kỹ chủ trương, điều chỉnh theo hướng chỉ quy định các cơ sở giáo dục MN nhận trẻ dưới 6 tuổi, không cần thiết quy định độ tuổi bắt đầu nhận vào. Bởi lẽ, việc nhận trẻ từ độ tuổi nào còn tùy thuộc vào khả năng chăm sóc, giáo dục và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ của từng cơ sở. " - Hoàng Thanh Hương  - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội)