Dự thảo thay thế Nghị định số 10/2013/NĐ-CP: Chống thất thoát trong quản lý hạ tầng giao thông

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ Tài chính soạn thảo đang nhận được sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia. Dự thảo được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của Nghị định số 10/2013/NĐ-CP sau 5 năm đi vào cuộc sống.

 Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài 570.448km
Lộ bất cập vì quy mô phát triển
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài 570.448km (gồm 3 hệ thống chính). Trong đó có 21.109km quốc lộ do T.Ư quản lý; 583km đường cao tốc đã đưa vào khai thác, chưa kể các tuyến đường cao tốc đang xây dựng sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới; 548.756km hệ thống đường địa phương (26.953km đường đô thị, 28.911km đường tỉnh, 492.892km đường giao thông nông thôn) và trên 28.000 cây cầu lớn nhỏ các loại. Với quy mô phát triển như vậy, hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang đảm nhận khoảng 90% về vận tải hành khách và 70% về vận tải hàng hóa trong toàn bộ hệ thống giao thông vận tải của cả nước.

Không thể phủ nhận những thành công nhất định trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Nghị định 10/2013/NĐ-CP thời gian qua, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sự phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay đã có nhiều thay đổi so với 5 năm trước nên nghị định trên đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế. Đơn cử, Nghị định 10/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể các tiêu chí hoặc phương pháp xác định giá cho thuê, giá chuyển nhượng quyền thu phí, giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản hay như nguồn kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hay công tác triển khai thực hiện còn chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư, khai thác tài sản, tạo nguồn thu cho ngân sách…
 Đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Hải Linh

Kỳ vọng vào sự đổi mới

Trong Dự thảo nghị định mới vừa được Bộ Tài chính soạn thảo đã đưa ra những quy định rất rõ ràng về hệ thống kết cầu hạ tầng đường bộ, về phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và về nguồn thu từ khai thác hệ thống tài sản này. Các chuyên gia cho rằng, những quy định mới trong Dự thảo nghị định sẽ giúp cho việc quản lý, sử dụng và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ được điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn khi giao cho từng chủ thể gắn với phương thức quản lý. Đặc biệt, sự ra đời của Dự thảo nghị định sẽ bổ trợ tốt cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản công khi đưa vào cuộc sống.

Một trong những điểm mới được các chuyên gia đánh giá cao là đưa ra quy định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được lập thành đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án đối với phương thức chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản, cho thuê, chuyển nhượng quyền thu phí (liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia và tài sản hình thành từ dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư); Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt đề án đối với phương thức khai thác tài sản thuộc phạm vi quản lý.

Hay như quy định việc giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho chủ thể quản lý gắn với phương thức quản lý để thực hiện mục tiêu quản lý tài sản. Theo như quy định trong Dự thảo nghị định mới, toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản. Theo một số chuyên gia giao thông, quy định này sẽ khắc phục rất tốt hạn chế trong hệ thống chính sách về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ hiện hành. Cụ thể là vấn đề kiện toàn bộ máy quản lý ở cấp huyện, xã chưa triệt để; bộ phận chuyên môn giúp việc cho UBND huyện, xã còn hạn chế về năng lực... Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mà Bộ Tài chính vừa soạn thảo căn bản xuất phát từ cơ sở của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Mục đích ra đời của dự thảo Nghị định mới là sử dụng một cách có hiệu quả nhất hệ thống tài sản kết cầu hạ tầng giao thông đường bộ, chống thất thoát cho Nhà nước. So với Nghị định 10/2013/NĐ-CP, dự thảo Nghị định thay thế rõ ràng có tiến bộ hơn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn thảo, lấy ý kiến thêm để thật sự hiệu quả.