Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã có sự tăng trưởng “thần kỳ” trong năm 2016 và 2017. Vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế tiếp tục được củng cố nhờ các thông số như GDP, xuất khẩu, vốn gián tiếp, đồng Việt Nam (VND) ổn định trong khi dự trữ ngoại hối tăng đáng kể.

 Dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam hiện đã đạt gần 63 tỷ USD. Ảnh: Phạm Hùng
Về trước mục tiêu 2020
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến hết tháng 4, dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam đã đạt gần 63 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với mức 60 tỷ USD hồi cận Tết Nguyên đán (tháng 2/2018), và tăng tới 11 tỷ USD so với cuối năm 2017. Đây là mức cao kỷ lục mới. Chỉ trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã mua thêm được 32 tỷ USD, đồng nghĩa với việc tăng gấp đôi quy mô của kho dự trữ.

Trước đó, phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá rất cao ngành đã hoàn thành sớm “ước mơ” dự trữ ngoại hối đạt 50 tỷ USD vào năm 2020. Dự trữ ngoại tệ tăng không chỉ cung ứng đầy đủ ngoại tệ cho nền kinh tế, xuất khẩu, kiểm soát thị trường ngoại tệ mà còn góp phần củng cố vị thế quốc gia, tạo lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến hết quý I/2018, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), tỷ giá USD/VND ổn định và tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư ở mức cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% và xuất siêu đạt tới 3,39 tỷ USD, kiều hối tăng cao, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Với việc Việt Nam chủ động tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các DN Nhà nước, các tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô lớn trong các ngành kinh tế trọng điểm, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đã liên tục chuyển hướng vào Việt Nam.

Ứng xử với cung tiền đồng

Nội lực từ dân cư đang được khai thông, bằng chứng là người dân không còn mặn mà với USD, vàng, các quan hệ về tiền gửi tiền vay ngoại tệ giảm đi rất nhiều. Tuy vậy, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đồng nghĩa với việc một khối lượng lớn tiền đồng cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ra nền kinh tế. Yếu tố lịch sử cho thấy, thừa tiền luôn là con dao hai lưỡi. Sự thiếu nhịp nhàng trong bơm, hút tiền đồng được cho là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát bùng phát dữ dội ngay tại thời điểm đó và gây hậu quả dai dẳng nợ xấu kéo dài nhiều năm sau.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, cách mua và ứng xử với nguồn ngoại tệ này của NHNN gần đây đã khác trước. NHNN bắt đầu mua ngoại tệ theo kỳ hạn 3 tháng chứ không chỉ mua ngoại tệ giao ngay như trước. Theo cách mới này, lượng tiền đồng đưa ra được giãn ra theo từng kỳ hạn, giảm bớt áp lực dồn vào một thời điểm. Bên cạnh đó, NHNN liên tục sử dụng công cụ tín phiếu cùng quy mô duy trì khá lớn để hút bớt tiền về, dù đây vẫn là công cụ ngắn hạn nhưng linh hoạt.

Theo ông Trương Văn Phước - Chủ tịch UBGSTCQG, lạm phát năm nay áp lực tập trung hơn ở việc điều chỉnh giá các dịch vụ công. “Năm nay Chính phủ kiểm soát chặt chẽ và đã có kinh nghiệm trong điều chỉnh, điều hành" - chuyên gia này nhìn nhận. Việc điều hành cung tiền đã tốt và uyển chuyển hơn trong cân đối với các vấn đề. NHNN đã đưa ra các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền VND cung ứng khi mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, nhìn vào lạm phát để bơm hút. Trong định hướng cho cả năm, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, sẽ không chạy theo tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà phát triển tín dụng có chất lượng, đưa vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.
Năm 2018, lạm phát của Việt Nam cũng chỉ xoay quanh mức như năm 2017, còn thị trường ngoại hối cung vẫn sẽ vượt cầu vì niềm tin của thị trường tăng lên. Đối với thị trường nước ngoài, nhìn chung USD cũng không tăng giá nhiều, thậm chí còn mất giá so với những đồng tiền khác. Với nhận định như thế, VND có thể mất giá so với USD trong biên độ từ 1,5 - 2% là có thể chấp nhận được. 

Chủ tịch UBGSTCQG Trương Văn Phước