Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa bưởi Núi Bé thành sản phẩm OCOP

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khai thác thế mạnh vùng đất đồi gò, nhiều nông dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) đang tập trung phát triển cây bưởi, phấn đấu đưa loại quả này thành sản phẩm chất lượng thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020.

Ở xã Nam Phương Tiến, nhiều người biết đến anh Phùng Văn Hà, một nông dân trồng bưởi. Bắt đầu với khoảng 20 cây bưởi Diễn, sau khi nhận thấy cây bưởi mang lại giá trị kinh tế ổn định, anh Hà đã quyết định thuê thêm 1ha rồi mở rộng lên tới 13ha để trồng loại cây này. Đến nay, gia đình anh có khoảng 2.300 gốc bưởi.
 Chăm sóc bưởi tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.
Hai năm trước, ở tuổi 34, anh Hà thành lập Hợp tác xã (HTX) bưởi Núi Bé nhằm chuyên nghiệp hóa, mở rộng quy mô sản xuất cũng như tìm kiếm các cơ hội liên kết tiêu thụ. Nhận thấy thành công của anh Hà, hàng chục nông dân tại thôn Núi Bé cũng tham gia HTX để học hỏi và nhân rộng mô hình trồng bưởi. Cùng với số lượng, chất lượng bưởi cũng được tập thể HTX chú trọng nâng cao. “Điểm khác biệt lớn nhất của bưởi Núi Bé là được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, trên nền đất tơi xốp nhờ được bổ sung trùn quế và phụ phẩm nông nghiệp tự ngâm ủ theo kỹ thuật riêng” – anh Hà cho hay.
Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và kỹ thuật chăm sóc tốt, chất lượng sản phẩm của HTX bưởi Núi Bé được thị trường đánh giá rất cao. Những trái bưởi trên mảnh đất đồi gò xã Nam Phương Tiến được tiêu thụ ổn định tại hệ thống bán lẻ của Vinmart, CleverFoods, Hapro, Citimart… Đến nay, năng suất bình quân trên 1ha canh tác bưởi tại địa phương này đạt khoảng 20 tấn. Doanh thu ước đạt 500 – 600 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu về đến 800 triệu đồng/ha.
Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, địa phương xác định bưởi là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, thời gian qua, xã đã phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hàng chục lớp tập huấn canh tác bưởi cho bà con nông dân.
Đặc biệt là triển khai mô hình thâm canh bưởi VietGAP tại 10ha thuộc HTX bưởi Núi Bé. Theo ông Vĩnh, trong số diện tích bưởi hiện có, sản phẩm từ nhóm liên kết sản xuất của HTX bưởi Núi Bé cho chất lượng tốt hơn cả. Chính vì vậy, địa phương đang cố gắng xây dựng, phát triển bưởi Núi Bé thành sản phẩm OCOP an toàn, chất lượng, đóng góp vào nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu Chương trình OCOP năm 2020 của huyện Chương Mỹ.