Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa “cái lý” đến với đồng bào dân tộc

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với phát triển hạ tầng, cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc, việc tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc trên địa bàn Thủ đô được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Đi vào “trọng tâm, trọng điểm”
Dù 8 giờ sáng, chương trình tuyên truyền pháp luật mới diễn ra, nhưng ông Trần Văn Hiền - Phó Trưởng ban mặt trận thôn Hồng Thái, cùng hơn 200 cán bộ, đồng bào dân tộc xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) đã có mặt tại nhà văn hóa trung tâm từ khá sớm. Ông Hiền cho biết, lấy vợ đã hơn 10 năm nhưng lần đầu tiên được nghe giảng cụ thể về Luật Hôn nhân và Gia đình. Thấy có nhiều điều đến giờ mới biết! Không chỉ ông Hiền, nhiều đại biểu cũng tỏ ra hứng thú, chăm chú dõi theo thông tin về những bộ luật khác liên quan tới đất đai, nhà ở, ATTP, giao thông đường bộ…

Một buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ.   Ảnh: Trọng Tùng

Ông Đinh Văn Nhức - Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho biết, trong 2 năm qua, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc của địa phương có xu hướng gia tăng. Trước vấn đề đó, địa phương phối hợp với Ban Dân tộc TP tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan tới vấn đề hôn nhân và gia đình. Ông Nhức bày tỏ hy vọng: Kiến thức từ hội nghị sẽ là điều kiện thuận lợi để mỗi cán bộ làm tốt hơn công tác dân tộc tại địa phương. Đây cũng là chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật mang tính “trọng tâm, trọng điểm” thứ 3 do Ban Dân tộc TP tổ chức tại vùng đồng bào dân tộc xã Trần Phú trong năm 2016.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Bình - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc), báo cáo viên pháp luật mà đồng bào vùng dân tộc của Thủ đô không còn xa lạ, trong quá trình thông tin tới đồng bào, mỗi báo cáo viên thường cố gắng dẫn chứng những ví dụ minh họa cụ thể, gần gũi để đồng bào nắm bắt rõ hơn nội dung luật, cũng như thấy được ý nghĩa của việc chấp hành pháp luật. Cùng với đó, các báo cáo viên còn giúp giải đáp những vấn đề khúc mắc mà nhiều đồng bào dân tộc gặp phải trong thực tế, góp phần ổn định đời sống xã hội vùng dân tộc.
Chú trọng nâng cao hiệu quả
Theo Ban Dân tộc TP, từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị đã tổ chức 11 chương trình tuyên truyền và phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội triển khai 5 lớp tập huấn, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc. Dự kiến từ nay tới cuối năm 2016, Ban Dân tộc TP sẽ tiếp tục tổ chức thêm 10 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc miền núi của Thủ đô.
Bà Nguyễn Thị Tình - Trưởng phòng Tuyên truyền và Địa bàn (Ban Dân tộc TP) chia sẻ, hiệu quả các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật được đơn vị đặc biệt chú trọng. Theo đó, trước khi tổ chức các chương trình, đơn vị làm việc cụ thể, nắm bắt nhu cầu, mong muốn tiếp cận thông tin của từng địa phương. Từ đó xây dựng kế hoạch, lựa chọn và mời những chuyên gia nắm bắt chuyên sâu về từng lĩnh vực pháp luật để giảng dạy cho đồng bào. Điều này không chỉ đáp ứng đúng nguyện vọng tiếp cận thông tin của đông đảo đồng bào, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Theo ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP, việc nâng cao nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong ổn định chính trị - xã hội, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa các hình thức thông tin với mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên mà đơn vị cần tập trung tham mưu đề xuất UBND TP, triển khai thực hiện trong những năm tới.