Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng vào nền nếp

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 4 năm qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh đã thực hiện tốt quy chế phối hợp.

Lực lượng kiểm lâm Hà Nội tăng cường tuần tra góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh Ngọc Ánh
Lực lượng kiểm lâm Hà Nội tăng cường tuần tra góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh Ngọc Ánh

Nhờ đó, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng giảm mạnh; số vụ cháy rừng được phát hiện, dập tắt kịp thời; nạn săn bắt động vật hoang dã, buôn bán lâm sản dần được kiểm soát.

Xóa điểm nóng phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép

Những năm gần đây, tại các khu vực giáp ranh với Hà Nội, số vụ cháy rừng, xâm lấn đất rừng, tranh chấp đất rừng đã giảm đáng kể; các điểm nóng về buôn bán lâm sản trái phép không còn tồn tại. Các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản tại nhiều làng nghề hoạt động bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý, qua công tác phối hợp, lực lượng kiểm lâm đã kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn quản lý. Đồng thời phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện Quy ước, ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR đối với các tổ chức, cá nhân, chủ rừng trên địa bàn giáp ranh.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 9 (Mỹ Đức) Nguyễn Văn Mạc cho biết, từ khi ký kết phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh của huyện Mỹ Đức với 2 tỉnh Hà Nam, Hòa Bình rất thuận lợi. Đặc biệt từ khi khu bảo tồn voọc mông trắng tại Hà Nam được thành lập và đi vào hoạt động, tình trạng buôn bán động vật hoang dã ở khu vực lễ hội chùa Hương, khu vực Tam Chúc đã giảm rõ rệt so với trước đây.

Chia sẻ về hiệu quả của công tác phối hợp, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho hay, các đơn vị trực thuộc chi cục, nhất là Hạt Kiểm lâm TP Phổ Yên thường xuyên trao đổi thông tin với Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn. Nhờ vậy, công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra lâm sản đạt hiệu quả cao. Còn theo đại diện Hạt Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ, dù địa bàn chỉ có sông giáp ranh nhưng vẫn thường xuyên trao đổi trong quá trình làm nhiệm vụ, nhất là khi có lâm tặc cần truy đuổi, kiểm lâm Phú Thọ sẵn sàng hỗ trợ lực lượng kiểm lâm Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nâng cấp, hoàn thiện quy chế phối hợp

Trong thời gian tới, để rừng của Hà Nội và các tỉnh giáp ranh phát triển ổn định, bền vững, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và 7 tỉnh giáp ranh tham mưu, đề xuất UBND cấp tỉnh, Sở NN&PTNT giải pháp quản lý bảo vệ rừng phù hợp với từng địa phương.

Đặc biệt, trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký kết, các Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện giáp ranh hoàn thiện và bổ sung kế hoạch, phương án phối hợp phù hợp với từng địa bàn quản lý; tiến tới nâng cấp, hoàn thiện quy chế phối hợp cấp huyện, xã, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng tại chỗ. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

Cùng với đó, tiếp tục trao đổi, cung cấp thông tin và thiết lập đường dây nóng, vận động Nhân dân tố giác đối tượng vi phạm pháp luật Lâm nghiệp; kịp thời xử lý các vụ cháy rừng, phá rừng tại khu vực giáp ranh để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại đến tài nguyên rừng. Tăng cường phối hợp tuần tra chung để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR; phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, truy quét, xác minh, xử lý các đối tượng vi phạm về quản lý vận chuyển, buôn bán lâm sản.

Đề cập về giải pháp lâu dài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên đề nghị, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh cần quan tâm xây dựng quy chế phối hợp tận gốc đến từng thôn, tổ, đội bảo vệ rừng có khu rừng giáp ranh. Trong đó đề xuất huy động nguồn kinh phí cho hoạt động phối hợp của các tổ, đội. Song song đó, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ, phần mềm trong quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR, chia sẻ kinh nghiệm quản lý qua vệ tinh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ cháy rừng.

 

Hà Nội có hơn 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp ở 7 huyện, thị xã. Rừng của Hà Nội nằm giáp ranh với các tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh.