Khoảng 2 tuần nay, tại nhiều tuyến phố, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều hàng bán dứa. Nhiều chủ hàng đổ dứa thành từng đống trên vỉa hè đường Lê Văn Lương, đường Cienco 5, Đại lộ Thăng Long… treo biển “dứa giảm giá chỉ 5.000 – 7.000 đồng/kg”. Còn tại các chợ dân sinh, dứa đã được gọt sẵn đóng túi, được các tiểu thương bán lẻ với giá từ 4.000 – 6.000 đồng/quả to, 10.000/3 quả nhỏ. Theo chia sẻ của các chủ hàng này, nguồn dứa chủ yếu được đưa ra từ các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An…
Là tiểu thương chuyên bán lẻ dứa tại chợ Phùng Khoang, chị Trần Thị Hạnh cho biết: “Năm nay tuy mới là đầu vụ nhưng dứa ở chợ đầu mối đã rất nhiều và giá cũng giảm mạnh. Như các năm trước, đầu vụ tôi thường phải nhập dứa với giá dao động từ 7.000 – 9.000 đồng/kg, nhưng năm nay đã giảm chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg” – chị Hạnh nói.
Đứng bán bên một xe chất đầy dứa tại đường Lê Văn Lương, chị Nguyễn Thị Bích, Ngọc Lặc, Thanh Hóa cho biết: Gia đình tôi canh tác 1,3ha dứa. Chi phí mỗi hecta khoảng gần 200 triệu đồng. Nhưng hiện nay thương lái vào tận vườn trả giá quá thấp, chỉ được từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, với mức giá này thì người trồng dứa thua lỗ vài chục triệu/ha. “Năm trước giá dứa cũng thấp, nhưng đầu vụ tôi vẫn bán được 7.000 – 8.000 đồng/kg. Còn năm nay mới đầu vụ giá đã thấp như vậy thì đến khi vào chính vụ giá còn thấp hơn nữa” – chị Bích lo lắng.
Giải thích về nguyên nhân giá giảm, nhiều người trồng dứa cho biết, năm nay thời tiết nắng ấm nên dứa chín sớm hơn mọi năm, trong khi thương lái đến thu mua dứa chưa nhiều. Còn phía Nhà máy chế biến nước hoa quả cũng thu mua với số lượng ít, lại chọn quả từ 500 gam trở lên, nên khó khăn cho đầu ra. Mặt khác, có thể là do vài năm gần đây dứa được giá nên người dân mở rộng diện tích, để tránh nguy cơ “được mùa mất giá”, các địa phương cần có quy hoạch trong việc chuyển đổi cây trồng hợp lý, tránh việc mở rộng diện tích ồ ạt.