>>> Hướng về đồng bào vùng lũ>>> Cảm động bánh chưng nghĩa tình, "gói yêu thương" gửi đồng bào vùng lũ miền Trung
Ảnh: Thanh Tùng |
Nhưng đúng như nhiều ý kiến nhận định, từ thực tiễn hiện nay cũng như kinh nghiệm từ nhiều năm qua khi thực hiện công tác cứu trợ đó là việc cấp ủy, chính quyền, MTTQ địa phương thường rơi vào tình trạng quá tải khi cùng lúc có quá nhiều đoàn của các cá nhân, tổ chức đến chia sẻ, ủng hộ. Rồi những vùng cần phải có tàu thuyền để vận chuyển vào, nhưng không có sự báo trước để sắp xếp và chuẩn bị phương tiện, cũng dẫn đến hàng hóa chậm đến tay người dân… Nhiều đoàn từ thiện do không nắm được đặc điểm của địa phương và thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chức năng nên đã dẫn đến tình trạng trồng chéo, trùng lặp, nơi nhận quá nhiều, nơi thì quá ít hoặc không có. Hoặc xảy ra những chuyện không an toàn cho các nhà hảo tâm trong quá trình di chuyển, đặc biệt trong tình trạng nước lũ…
Bởi thế, hỗ trợ thế nào để việc thực hiện các hoạt động thiện nguyện hiệu quả nhất với cả người dân và nhà hảo tâm đang là vấn đề cần quan tâm lúc này. Việc có những cơ sở pháp lý để thực thi vấn đề này như Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo là rất cần thiết. Nghị định này còn để phòng ngừa, nhằm ngăn chặn một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện trục lợi. Và cũng không có quy định nào cấm hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người khác như nhiều ý kiến đã lầm tưởng. Vì việc cứu trợ Nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là việc của Nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà luôn cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội.Tuy nhiên, từ thực tế cũng cho thấy Nghị định số 64/2008/NĐ-CP có những hạn chế, không còn phù hợp thực tiễn. Như nhiều ý kiến đã chỉ ra, việc khuyến khích người dân ủng hộ đồng bào khu vực thiên tai và gặp khó khăn đặc biệt nhưng theo một cơ chế là việc vận động quyên góp, phân bổ tiền, hàng quy vào các đầu mối lớn như MTTQ, hội chữ thập đỏ, chính quyền các cấp ở địa phương và các tổ chức xã hội từ thiện có tư cách pháp nhân là đúng, nhưng chưa đủ trong thực tiễn hiện nay. Bởi hiện không chỉ có tổ chức, nhiều cá nhân có uy tín trong cộng đồng cũng có nhiều hoạt động thiện nguyện hiệu quả.
Có lẽ, nên có sự sửa đổi, bổ sung để các quy định phù hợp hơn với cuộc sống hiện nay, đồng thời quy định phương thức đi từ thiện, sự phối hợp giữa nhà hảo tâm và chính quyền địa phương để bảo đảm an toàn cho chuyến đi… Mục đích nhằm hỗ trợ đến đúng địa chỉ, kịp thời, công bằng và tạo lòng tin; công khai minh bạch tài chính, ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyên góp, hỗ trợ để trục lợi.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, Ban Biên tập báo Kinh tế và Đô thị triển khai chương trình “Chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung” nhằm chia sẻ hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra.Mọi đóng góp của quý cơ quan, tổ chức xin gửi về báo Kinh tế và Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội. Tài khoản số: 14022518051012, tại Ngân hàng Techcombank chi nhánh Thăng Long - PGD Láng Hạ, TP Hà Nội. (Ghi rõ “Ủng hộ miền Trung”) |