Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Thận trọng cân nhắc

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật DN (sửa đổi) sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong tháng 3 này. Tuy nhiên, tại cuộc lấy ý kiến tham vấn do Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vừa qua cho thấy, quanh quy định về đưa hộ kinh doanh vào Dự Luật vẫn chưa trả lời được câu hỏi “có nên đưa vào hay không?”.

Một hộ kinh doanh xe máy điện trên phố Xã Đàn. Ảnh: Hải Linh
Hoàn thiện khung pháp lý
Theo kết quả tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 4,59 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có địa điểm hoạt động ổn định. Trong đó, có khoảng 1,33 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, khoảng 3,02 triệu cơ sở chưa đăng ký kinh doanh, còn lại khoảng 0,24 triệu cơ sở đã đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoặc không phải đăng ký kinh doanh. Đóng góp của hộ kinh doanh vào GDP và giải quyết việc làm rất lớn, nên nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định pháp luật ở tầm luật để điều chỉnh đối tượng này nhằm khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh, tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước.
Lý giải tại sao đưa hộ kinh doanh vào Dự án Luật DN (sửa đổi), đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, hộ kinh doanh hiện nay được đăng ký và tổ chức hoạt động theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN, hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 212 Luật DN. Tuy nhiên, đánh giá các quy định này cho thấy một số khiếm khuyết khiến hộ kinh doanh không tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh. Do đó, không phát huy hết được lợi ích và tiềm năng phát triển khu vực hộ kinh doanh. 
Đánh giá kỹ tác động
Tại các cuộc lấy ý kiến vừa qua, nhiều quan điểm cho rằng nên cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào Dự Luật, thay vào đó, nên điều chỉnh theo hướng: Chuyển nội dung về hộ kinh doanh vào chương thành lập DN với góc tiếp cận là thành lập DN từ hộ kinh doanh thế nào; nên chuyển hộ kinh doanh vào Luật Đầu tư, vì đó là chủ thể đầu tư; hoặc có một luật riêng.
Có ý kiến cho rằng, theo Dự Luật hộ kinh doanh không phải là DN nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự Luật. Nếu chúng ta ban hành một bộ luật kinh doanh chẳng hạn, bao gồm các tổ chức, mô hình, hình thức kinh doanh thì có thể đưa hộ kinh doanh vào bộ luật này. Còn ở đây, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật DN chỉ là DN.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc: Hiện chúng ta chưa có khái niệm hộ kinh doanh. Ở nhiều nước, một cá nhân kinh doanh thì không thực hiện thủ tục thành lập và đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan đăng ký DN mà chỉ đăng ký tại cơ quan thuế. Do vậy, khái niệm thành lập hộ kinh doanh cần xem xét lại, bởi sẽ tạo thủ tục phức tạp. Bởi ở Việt Nam, một cá nhân hay hộ kinh doanh thì không phải là tổ chức nên không cần qua thủ tục thành lập tương tự một DN.
Nhiều quan điểm đề xuất, hộ kinh doanh đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 78, nên rà soát, nghiên cứu ban hành một nghị định riêng về hộ kinh doanh để tạo địa vị pháp lý và bảo đảm điều kiện tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển. Như vậy sẽ giải quyết ngay những vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh tại thời điểm hiện tại và xa hơn là ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Đồng thời, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật cũng cần phải có tổng kết, đánh giá tác động vì điều này ảnh hưởng vô cùng lớn tới không chỉ 4,59 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp; hơn 7,6 triệu lao động đang làm việc cho khu vực này, mà còn ảnh hưởng, tác động tới hàng chục triệu người.