KTĐT - Mặc dù thời điểm ký hợp đồng, nhà máy đường chỉ ký với dân bao tiêu sản phẩm với giá 500 đồng/kg mía cây nhưng vào vụ, nhà máy vẫn thu mua với giá thị trường cao hơn gấp 2 lần so với giá ký hợp đồng nên người dân rất phấn khởi.
Trái ngược với các năm trước đây, hiện nay mặc dù ngay thời điểm thu hoạch rộ nhưng vùng mía nguyên liệu ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang vẫn không đủ mía để bán vì có quá nhiều nhà máy đường trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tìm đến tranh mua, tranh bán.
Giá cả mía nguyên liệu vì thế cũng tăng cao, mỗi nhà máy đường mua mỗi giá khác nhau.
Theo ông Võ Văn Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), mỗi ngày, vùng mía Phụng Hiệp, Ngã Bảy thu hoạch được khoảng 10.000 tấn mía nguyên liệu nhưng cả hai nhà máy đường của Casuco là Phụng Hiệp và Vị Thanh chỉ thu mua được khoảng 40% sản lượng, số còn lại do thương lái của các nhà máy đường khác trong khu vực đến thu mua.
Giá cả thu mua của mỗi nhà máy cũng khác nhau. Trong khi các nhà nhà máy đường trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều thống nhất giá thu mua là 1.000 đồng/kg đối với mía lọai 9 CCS (mỗi 1 CCS tăng thêm sẽ được cộng 100 đồng/kg và thấp hơn 9 CCS thì mỗi 1 CCS sẽ giảm 50 đồng/kg), nhưng hầu hết các thương lái chỉ mua buôn với giá từ 1.150-1.200 đồng/kg trong khi mía hiện tại chỉ từ 8,5 đến 9 CCS.
Với giá và cách mua thu nói trên, nhiều nông dân đã “bẻ kèo” với Casuco để được bán giá cao hơn, số lượng này chiếm khoảng 20-30%.
Tình hình trên đã làm cho các nhà máy đường Casuco gặp nhiều khó khăn do thiếu mía nguyên liệu phải họat động cầm chừng, trong khi đó Casuco hiện nay là đơn vị duy nhất đầu tư giống, kỹ thuật, trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu và thực hiện nhiều chính đãi ngộ cho bà con trồng mía Phụng Hiệp, Ngã Bảy. Tuy nhiên, phần lớn những hộ dân trồng mía đã làm ăn lâu dài với Casucon vẫn thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.
Còn tại sóc Trăng, Nhà Máy đường Sóc Trăng đã chính thức khởi động vụ sản xuất mới, niên vụ mía đường 2010-2011. Mặc dù mới đầu vụ sản xuất nhưng giá mía đã ở mức rất cao. Loại mía 10 chữ đường được mua tại nhà máy đường Sóc Trăng trong những ngày qua là 1.100 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với thời điểm đầu vụ mía đường năm trước.
Ông Trịnh Minh Châu, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng cho biết, vụ mía này, Nhà máy đường Sóc Trăng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm được trên 3.500ha mía cho người dân trong tỉnh. Mặc dù thời điểm ký hợp đồng, nhà máy đường chỉ ký với dân bao tiêu sản phẩm với giá 500 đồng/kg mía cây nhưng vào vụ, nhà máy vẫn thu mua với giá thị trường cao hơn gấp 2 lần so với giá ký hợp đồng nên người dân rất phấn khởi.
Nhà máy đường Sóc Trăng sẽ ưu tiên tiêu thụ cho những hộ đã ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy cả về giá cả lẫn thu mua sớm khi cần thiết. Đặc biệt, với những vùng mía dễ bị ngập úng như tại huyện Mỹ Tú, huyện có trên 3.500ha, không chỉ nhà máy đường Sóc Trăng mà cả các nhà máy đường khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều đã cam kết sẽ tiêu thụ hết mía cho dân nếu bị ảnh hưởng của lũ.
Vùng mía nguyên liệu tập trung ở Sóc Trăng chủ yếu được trồng tại ba huyện là Mỹ Tú, Long Phú và Cù Lao Dung với diện tích gần 13.000ha.
Hiện nay, vùng mía ở huyện Mỹ Tú đang được khai thác với khoảng vài trăm ha, do trồng và thu hoạch tránh lũ nên nơi đây thường thu hoạch sớm hơn các địa phương khác. Một số hộ trồng mía ở xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, cho biết, do thu hoạch sớm nên mía hiện đang thu hoạch chỉ đạt 8-9 chữ đường nhưng với giá trên dưới 1.000 đồng/kg cũng đã là rất cao so với nhiều năm trước nên bà con đang tích cực thu hoạch trước khi lũ về.
Vụ mía đường này, Nhà máy đường Sóc Trăng có kế hoạch sản xuất 35.000 tấn đường trắng, tương đương với tiêu thụ 400.000 tấn mía cây, chiếm 1/3 sản lượng (khoảng 4.500ha) mía của tỉnh, diện tích mía còn lại được tiêu thụ cho các nhà máy đường trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.