Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa nợ công về một đầu mối quản lý: Không có nghĩa là tập trung quyền lực

Nha Trang (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Đinh Tuấn Minh - chuyên gia kinh tế cho rằng, tại nhiều nước trên thế giới, nợ công thường được đưa về một đầu mối quản lý.

“Điều này không có nghĩa là đầu mối này có quyền “ban phát” vốn. Mà ngược lại, đây là cơ quan có trách nhiệm quản lý, giám sát và yêu cầu các đơn vị nhận nợ sử dụng vốn hiệu quả hơn” - TS Đinh Tuấn Minh chia sẻ.
Cần thêm các quy định quản lý nợ trong khu vực DNNN
Bên cạnh phạm vi như luật hiện hành quy định nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, một số ý kiến đặt vấn đề nên chăng đưa một số khoản như nợ của DN Nhà nước (DNNN), nợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào nợ công. Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Tại phiên thảo luận Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải thích rằng, đối với vay nợ của DNNN theo cơ chế tự vay tự trả, DN là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Trường hợp DN không trả được nợ có thể thực hiện phá sản. Nếu đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ DN sang nợ của Chính phủ, điều này không phù hợp.
Tôi đồng tình với quan điểm này. Các khoản nợ của DNNN là nợ DN chứ không phải nợ công. DN đã kinh doanh mà thua lỗ phải cho phá sản theo Luật DN. Thời gian vừa qua, hàng loạt DNNN như Vinachem, Vinashin, TKV… thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì việc điều hành, quản trị thiếu hiệu quả của các DNNN cũng là nguyên nhân khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty chìm trong nợ nần. DN lỗ thì phải có giải pháp để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả nợ chứ Chính phủ không thể đứng ra gánh thay.
Được biết, Dự thảo Luật Quản lý nợ công đã kế thừa quy định hiện hành và bổ sung nội dung loại trừ các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN, nợ do NHNN phát hành. Đây cũng là quan điểm được đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) tán thành tại báo cáo thẩm tra.
Loại trừ nợ DNNN ra khỏi nợ công. Tuy nhiên, một cách nào đó, các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh tại các DNNN thua lỗ cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến nợ công. Vậy, có nên đưa thêm các quy định về quản lý nợ công trong khu vực DNNN không, thưa ông?
- Cá nhân tôi cho rằng, rất cần có một chương đề cập đến việc giám sát nợ DNNN. Cụ thể, đó là các khoản nợ của Ngân hàng Phát triển (VDB) cho các DNNN vay và được Chính phủ bảo lãnh. Nợ DNNN không tính vào nợ công nhưng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến nợ công về phần nợ của VDB trong các DNNN. Cần phải có quy định cụ thể về việc bên nào giám sát và quản lý khu vực nợ này.
Một đầu mối quản lý
Tại phiên thảo luận về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) mới đây, Bộ Tài chính, UBTCNS Quốc hội cho rằng, đang có sự chồng chéo trong việc quản lý Nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi giữa Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và NHNN. Các cơ quan này đề nghị sửa đổi theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công. Là một chuyên gia từng có nghiên cứu về nợ công, ông có đồng tình với đề xuất này?
- Thông lệ quốc tế tại nhiều nước trên thế giới, nợ công thường được đưa về một đầu mối quản lý, không cắt khúc, chồng chéo như ở Việt Nam. Tất nhiên, một đầu mối quản lý không có nghĩa là đầu mối đó có thể “ban phát”. Mà các đầu mối này sẽ đưa ra các quy tắc, phương pháp để quản lý nợ công. Đầu mối này cũng sẽ có giải pháp buộc các cơ quan nhận vốn vay phải có phương án sử dụng hiệu quả và chịu trách nhiệm với đồng vốn đó. Việc quản lý nợ công vì thế sẽ khoa học, chặt chẽ hơn.
Hai cơ quan đang cùng Bộ Tài chính quản lý nợ công là Bộ KH&ĐT và NHNN “phản biện” rằng, vẫn quản nợ công tốt, và đưa nợ công về một đầu mối sẽ lo ngại tập trung quyền lực và gây xáo trộn bộ máy quản lý. Theo ông, phản biện này có phù hợp?
- Như tôi đã nói ở trên, đưa nợ công về một đầu mối không có nghĩa là đầu mối đó có quyền “ban phát”. Vì thế, không thể nói đưa về một đầu mối là tập trung quyền lực. Ví dụ, vốn rót cho các Dự án ODA vẫn phải Bộ KH&ĐT thẩm định và xây dựng phương án sử dụng. Chỉ có điều khi đó, anh sẽ phải báo cáo lên Bộ Tài chính (nếu cơ quan này là đầu mối quản lý nợ công). Việc này sẽ giúp tăng trách nhiệm các cơ quan trong sử dụng vốn vay.
Ông kỳ vọng gì về việc giảm nợ công khi Dự thảo Luật Quản lý nợ công được thông qua?
- Thực tế, việc quản lý và giảm nợ công là không giống nhau. Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi đang bàn cách để “quản” nợ công hiệu quả hơn. “Quản” cho chúng ta biết được một bức tranh đầy đủ, cập nhật, kịp thời hơn về tình hình nợ công. Còn để giảm nợ công còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề.
Xin cảm ơn ông! 
Thế giới quản lý nợ công thống nhất như thế nào?
Hiện nay, trên thế giới việc quản lý nợ công được thực hiện thông qua cơ quan quản lý nợ công với các tên gọi khác nhau giữa các nước. Ví dụ, “Ủy ban Quản lý nợ và rủi ro” là tên gọi của cơ quan quản lý nợ công của Thổ Nhĩ Kỳ; ở Anh, Brazil, Indonesia là “Văn phòng quản lý nợ”; ở Ba Lan là “Cục Quản lý nợ công”, “Cơ quan Quản lý nợ” là tên gọi phổ biến ở Bungari, Thái Lan, Colombia, Ấn Độ...  Tuy nhiên, thông lệ thường gọi chung là DMO (Debt managerment Office). Có 3 hình thức tổ chức cơ quan quản lý nợ công hiện nay:
Một là, cơ quan quản lý nợ công phần lớn đều thuộc Bộ Tài chính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ba Lan, Bungari, Cộng hòa Séc, Estonia, Rumani, Ý, Peru, Achentina, Nam Phi, Slovennia, Cộng hòa Síp, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Tây Ban Nha, Malayxia, Việt Nam, Colombia, Jamaica, Cambodia, Lào…
Hai là, cơ quan quản lý nợ công là một tổ chức độc lập như Úc, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, Aixlen, Mata, Đức, Bồ Đào Nha, Slovakia, Latvia, Thụy Sĩ, Hungari, Anh, Thái Lan.
Ba là, cơ quan quản lý nợ công thuộc NHNN hay ngân hàng T.Ư. Trong khối EU chỉ có Đan Mạch là nước áp dụng mô hình này. Đối với khu vực châu Á, nhiệm vụ quản lý nợ thuộc ngân hàng T.Ư có MianmaPakistan.
Chức năng, nhiệm vụ theo mô hình nhằm mục tiêu hướng tới tập trung toàn bộ các chức năng nợ công vào một bộ phận duy nhất, giảm sự phân tán và tăng cường sự phối hợp trong quản lý nợ, với chức năng chủ yếu gồm: Triển khai thực hiện các Chính sách quản lý nợ, chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay trả nợ và các hạn mức nợ hàng năm đã được phê duyệt;
Thực thi các nghiệp vụ quản lý nợ công bao gồm: trình, duyệt chủ trương vay, tổ chức đàm phán, ký kết, huy động vốn vay, sử dụng vốn vay, cho vay lại, bảo lãnh, thu hồi vốn, trả nợ, xử lý rủi ro, kiểm tra, quyết toán về nợ công;
Soạn thảo, ban hành và hướng dẫn các chuẩn mực, chỉ tiêu, quy trình, nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý nợ công;
Quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về nợ công tập trung và thống nhất, báo cáo kết quả thực hiện và trách nhiệm giải trình.