KTĐT - Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh PCTN; phát huy vai trò của xã hội, qua đó tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh PCTN, từng bước hình thành văn hoá chống tham nhũng.
Theo Đề án mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2011 sẽ hoàn thành việc đưa nội dung về phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong các trường học.
Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh PCTN; phát huy vai trò của xã hội, qua đó tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh PCTN, từng bước hình thành văn hoá chống tham nhũng.
Đề án được thực hiện đối với các trường trung học phổ thông; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc Đảng, cơ quan nhà nước; trường thuộc lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội.
Riêng các đối tượng là cán bộ, công chức thì nội dung PCTN chỉ đưa vào các lớp thuộc chương trình bồi dưỡng chính trị, quản lý nhà nước đối với chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và ngạch tương đương.
Hình thành văn hóa chống tham nhũng từ các trường THPT
Tại các trường THPT, bước đầu trang bị kiến thức về PCTN cho học sinh, qua đó nâng cao nhận thức của các em về mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh PCTN; xây dựng được thái độ, ý thức đấu tranh, bài trừ tệ nạn tham nhũng cho đối tượng này.
Giáo dục về PCTN trong các trường THPT tập trung vào nội dung cơ bản của Luật PCTN như khái niệm, nguyên nhân, tác hại của tham nhũng và thái độ, ứng xử của học sinh đối với hành vi tham nhũng.
Để tránh quá tải cho học sinh THPT, trong chương trình chính khóa sẽ tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục PCTN vào môn học giáo dục công dân hoặc các môn học xã hội khác phù hợp với điều kiện giảng dạy của từng môn mà không tạo thành các môn học riêng. Ngoài ra, các trường THPT chủ động đưa nội dung PCTN vào chương trình ngoại khóa thông qua một số hoạt động như lồng ghép vào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, xây dựng chuyên mục giáo dục PCTN trên các bản tin nội bộ của trường.
... đến các trường đại học, cao đẳng
Ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, nội dung PCTN được giảng dạy sâu hơn như tìm hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của công dân trong việc PCTN nhằm xây dựng thái độ, ý thức tự giác của sinh viên đối với công tác PCTN, qua đó giúp sinh viên tham gia hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác PCTN.
Nội dung PCTN được tích hợp, lồng ghép vào môn học pháp luật với thời lượng 4-5 tiết học; riêng đối với các trường chuyên về luật, trường liên quan trực tiếp đến công tác nội chính (ngành tòa án, kiểm sát, công an) thì thời lượng là 15 tiết, trong đó có 5 tiết tự nghiên cứu. Ở cấp này, chương trình ngoại khóa đòi hỏi hoạt động phong phú hơn như báo cáo chuyên đề trong tuần, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về PCTN...
và các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ
Đối với các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc Đảng, cơ quan nhà nước; trường thuộc lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội, mục tiêu là trang bị chuyên sâu về PCTN, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật về PCTN; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, từ đó tích cực tham gia PCTN. Tại các trường này sẽ tổ chức thảo luận chuyên đề về PCTN, thảo luận về các vụ án tham nhũng.
PCTN bắt đầu từ giáo viên
Để truyền tải kiến thức về PCTN thì đội ngũ giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, đề án cũng đưa ra các nội dung tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và tăng cường điều kiện vật chất, nghiên cứu khoa học, thông tin giáo dục phục vụ cho việc giảng dạy, học tập về PCTN. Theo đó, sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho giáo viên với thời gian từ 3-5 ngày.
Theo Tiến sĩ Đỗ Gia Thư - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, chống tham nhũng trong nhà trường, trước hết phải bắt đầu từ giáo viên. Giáo viên phải là tấm gương đạo đức về PCTN. Ngành Giáo dục cũng đang chống tham nhũng, tiêu cực như chống dạy thêm, học thêm, gian lận trong thi cử, chống bệnh thành tích... nhưng những nội dung đó chưa đưa một cách bài bản, thống nhất. Khi đưa nội dung PCTN vào thì những vấn đề đó trở thành một nguyên tắc chung xuyên suốt. Đối với các giáo trình, giáo án về nội dung PCTN phải thường xuyên đổi mới để đưa vào một cách nhẹ nhàng mà có hiệu quả. Không chỉ giáo dục đối với học sinh, sinh viên thậm chí đối với cả giáo viên, cán bộ quản lý, công chức.
Thanh tra Chính phủ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ thực hiện Đề án.
Ban Chỉ đạo Đề án sẽ được thành lập do Tổng Thanh tra làm Trưởng ban để tổ chức quản lý tổng thể việc thực hiện các nội dung của Đề án; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với nhà trường để thực hiện tốt công tác giáo dục về PCTN.