Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa nông sản vào chuỗi giá trị

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa phần hộ sản xuất, HTX vẫn chưa liên kết thành chuỗi giá trị, dẫn tới tình trạng được mùa mất giá hoặc sản phẩm không thể vào được các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Nhằm từng bước tháo gỡ nút thắt này, ngày 26/6, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức hội thảo "Tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị".
Có thương hiệu vẫn khó tiêu thụ
Chia sẻ về lợi ích liên kết chuỗi, Giám đốc HTX Rau quả an toàn Đông Xuân (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn) Trần Ngọc Liên cho hay, tham gia liên kết theo chuỗi, cả DN và nông dân đều hưởng lợi. Đơn cử như với hơn 120ha trồng hoa nhài, nông dân Đông Xuân không còn lo về đầu ra nhờ HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, liên tục với DN với mức giá không thấp hơn 35.000 đồng/kg.
 Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn.
Đối với sản phẩm dưa lê, từ chỗ chỉ có 20 hộ liên kết nhóm sản xuất, đến nay đã tăng lên 78 hộ tham gia HTX. Nhờ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm dưa của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng, sản lượng tiêu thụ hiện nay đạt trung bình 1 – 3 tấn/ngày. Tuy nhiên, để duy trì kết nối và trụ vững tới bây giờ, khi mới ra sản phẩm, HTX dành rất nhiều thời gian, công sức đi tiếp thị sản phẩm tới từng cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm nông nghiệp nào có nhãn hiệu, thương hiệu cũng tiêu thụ thuận lợi. Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân, hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận gồm: Rau hữu cơ Sóc Sơn, chè Bắc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn, gà đồi Sóc Sơn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn.

"Các hộ sản xuất nhỏ lẻ cần liên kết với nhau thành tổ, nhóm sản xuất để cử ra người đại diện kết nối với các tổ chức, DN tiêu thụ sản phẩm. Các tổ, nhóm sản xuất trên cơ sở sản phẩm, khả năng sản xuất có thể lập phương án xây dựng mô hình khuyến nông để Trung tâm vào cuộc hỗ trợ sản xuất – tiêu thụ nông sản theo chuỗi." - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương

Song trên thực tế, khâu tiêu thụ của các sản phẩm này vẫn gặp rất nhiều khó khăn cho số đông các nhóm hộ sản xuất, HTX vẫn chưa kết nối được DN tạo thành chuỗi để đưa các nông sản an toàn của địa phương vào hệ thống các siêu thị của Hà Nội. Đơn cử như, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, nông dân vẫn tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái nên giá cả rất bấp bênh, hiện nay giá bán rất thấp chỉ đạt 25.000 đồng/kg.
Hỗ trợ nông dân kết nối thị trường
Thực tế cho thấy, nông sản gắn mác an toàn trên thị trường hiện nay rất đa dạng, phong phú, sản lượng lớn và đến từ mọi miền đất nước. Do đó, để có chỗ đứng trên thị trường, không có cách nào khác là người sản xuất phải nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Trong đó, bao gồm các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu; địa chỉ cung ứng; giá thành hợp lý… Bên cạnh đó, người sản xuất cần biết phân loại đối tượng người tiêu dùng theo từng phân khúc (nông thôn hay thành thị) và chủ động tìm hiểu thị trường.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, nông dân, HTX cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bởi, sản phẩm an toàn, chất lượng tốt nhưng không được nhiều người biết đến, thị trường không đón nhận thì giá trị sản phẩm không được nâng cao đồng nghĩa với thu nhập của nông dân, lợi nhuận của HTX cũng không tăng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng: “Nông dân lưu ý việc quy hoạch vùng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ được các tổ chức, cơ quan chức năng chứng nhận thì giá trị sản phẩm mới được nâng lên. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các DN tin tưởng, sẵn sàng bắt tay liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với bà con”.
Nhằm hỗ trợ nông dân, HTX chủ động kết nối thị trường, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo xúc tiến tiêu thụ nông sản nhằm kéo DN xích lại gần nông dân, HTX. Từ đó cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro trong liên kết chuỗi, chung tay đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn tới tay người tiêu dùng Hà Nội.
Cùng với đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP để trang bị kiến thức khoa học cho nông dân, giúp họ thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.