Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa sở hữu trí tuệ đến gần hơn với cộng đồng

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng công nghệ, sáng chế bị sao chép, thậm chí từng có startup đến giai đoạn gọi vốn bỗng nhận được email cảnh báo vi phạm bản quyền nhãn hiệu từ một công ty khác, suýt bị kiện ngược lại tội vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu...

Xuất phát từ thực trạng đó, tuyên truyền về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong đổi mới sáng tạo là một trong những hoạt động được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Cũng từ đó, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp hơn.

 

Trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ là việc cần thiết ngay từ khi các bạn trẻ khởi sự kinh doanh để có thể bảo vệ tốt nhất cho startup của mình.

Cụ thể, trong năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội) tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Thủ đô.

Ngày hội khởi nghiệp Thủ đô năm 2018 gồm chuỗi 6 hoạt động lớn: Diễn đàn khởi nghiệp Thủ đô 2018, Khu triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm, Hội thảo khoa học về chuyển giao tri thức, Pitching các dự án khởi nghiệp, Talkshow với chuyên gia khởi nghiệp, Gala dinner kết nối doanh nhân.

Các hoạt động của ngày hội giúp kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của TP, gắn kết đổi mới sáng tạo, chuyển giao khoa học công nghệ giúp phát triển làng nghề, đặc sản vùng miền định hướng xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là nơi hội tụ rất nhiều yếu tố để tăng cường vai trò quyền sở hữu trí tuệ, khi tại đây có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào với mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề phát triển mạnh có vị thế hàng đầu trong nước và quốc tế. Vì vậy, TP đã ban hành đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025", từ đó hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời, đây là cơ hội gợi mở sự sáng tạo, tư duy năng động, truyền cảm hứng khởi nghiệp kinh doanh cho thế hệ trẻ, học sinh - sinh viên, thanh niên Thủ đô Hà Nội và cả nước. Thông qua việc hoàn thiện ý tưởng, lập các dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.

Cũng trên cơ sở triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2019 - 2020, năm 2019 Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức sự kiện ngoài trời Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới theo thông điệp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới "Đường tới Huy chương vàng - Sở hữu trí tuệ và thể thao".

Sự kiện tập trung vào đối tượng chính là sinh viên, học sinh trên địa bàn Thủ đô nhằm tuyên truyền vai trò và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa sở hữu trí tuệ đến gần hơn nữa với cộng đồng. Việc tích cực tuyên truyền giúp sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, giúp các em bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó góp phần tạo nền tảng pháp lý nhằm tăng tính bền vững cho hoạt động của các dự án khởi nghiệp sinh viên.

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề, nông nghiệp cho người dân trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ những dự án khởi nghiệp cho sinh viên, để kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ lan tỏa trong cộng đồng, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức 20 lớp đào tạo, tập huấn về phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Hà Nội.

Lớp tập huấn có hơn 1.300 người tham dự chủ yếu là các thành viên của các hội, hợp tác xã đang sản xuất, trồng, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Hà Nội. Chương trình tập huấn tập trung vào các nội dung như: Vai trò của sở hữu trí tuệ với các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trong hoạt động, sản xuất và kinh doanh; quy trình xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp, làng nghề; giới thiệu một số hình thức phát triển thương hiệu sau khi sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội triển khai các lớp tập huấn tổ chức cho cán bộ chuyên trách ở các quận, huyện, thị xã của TP; Hộ kinh sản xuất và kinh doanh sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp; Hợp tác xã; Hội làng nghề,.. về sở hữu trí tuệ và vai trò của tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện "Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2019 - 2020", TP Hà Nội sẽ xem xét, triển khai ít nhất 28 dự án bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 3 dự án bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, 4 dự án quản lý và phát triển đối với các sản phẩm mang địa danh đã được bảo hộ.

"Việc trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, bảo hộ các sản phẩm giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động tiếp cận thị trường, đồng thời giữ gìn và phát huy danh tiếng và uy tín chất lượng "thương hiệu" của các đặc sản địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước là rất quan trọng".