Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa sông Hồng thành trục cảnh quan chính

Vân Hằng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Hà Nội đã nhận rõ vai trò quan trọng của không gian sông Hồng đối với Hà Nội trong việc tạo lập bản sắc đô thị. TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội chia sẻ về vấn đề này.

Ông nhận định như thế nào về việc Hà Nội sắp xây dựng 4 cây cầu (cầu Tứ Liên, cầu Đuống, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên) trong quy hoạch tổng thể Hà Nội?
- Từ năm 1998, định hướng phát triển Hà Nội đã chú trọng phát huy tiềm năng hai bên khu vực sông Hồng. Đáng lưu tâm, là đưa sông Hồng vào trục cảnh quan chính, ôm lấy Hà Nội. Thời điểm đó, dự kiến xây dựng 11 cây cầu nhưng thực tiễn mới có 6 cây cầu. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đề xuất lên 16 cây cầu vượt qua sông Hồng và 4 cây cầu qua sông Đuống. Như vậy, các cây cầu là minh chứng sự phát triển mạnh mẽ của hai bên bờ sông Hồng. Bên cạnh đó, việc phát triển các cây cầu còn kích thích thị trường bất động sản, khai thác có hiệu quả quỹ đất phía Bắc sông Hồng. Với những lý do như vậy, 4 cây cầu đề xuất là phù hợp với định hướng của quy hoạch chung và mục tiêu giao thông Hà Nội.
Vậy, theo ông, cần lưu tâm vấn đề gì khi hiện thực hóa các dự án này?
- Vấn đề đặt ra là nguồn lực thực hiện và xác định khu vực trọng tâm để phát huy ưu thế quỹ đất. Trước đây, khi có cầu Chương Dương, chúng ta đã dự kiến xây dựng cầu Nhật Tân nhằm khai thác quỹ đất Bắc sông Hồng (huyện Đông Anh). Thực tế, cầu Nhật Tân đi vào hoạt động đã tạo động lực đưa Đông Anh trở thành “trung tâm TP thứ 2 của Thủ đô”.
Trên cơ sở đó, khi phát triển 4 cây cầu sẽ tạo nguồn lực khai thác hiệu quả quỹ đất của huyện Đông Anh, Gia Lâm và quận Long Biên. Đồng thời, kết nối truyền thống văn hóa.
Riêng cầu hầm Trần Hưng Đạo từng được xác lập trong quy hoạch của người Pháp từ năm 1943 nhưng chưa thực hiện. Nay được đề xuất xây dựng là cần thiết. Tuy nhiên, cần thận trọng xác định mô hình cầu hay hầm. Bởi, đây là cầu giải tỏa áp lực giao thông của nội đô, phát huy lợi thế khu vực Long Biên và khai thác tiềm năng của sân bay Gia Lâm. Từ đó, tạo thành khu vực vận chuyển hành khách công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của Thủ đô.
Bản sắc văn hóa gắn với các cây cầu thì sao, thưa ông?
- 4 cây cầu khi xây dựng không chỉ là công trình giao thông thuần túy, mà còn phải là công trình văn hóa. Ví dụ như cầu Long Biên là biểu trưng của Hà Nội. Cầu Thăng Long là mối tình hữu nghị đoàn kết của các nước XHCN lúc bấy giờ. Cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy thể hiện sức mạnh nội lực. Cầu Thanh Trì mang tính hội nhập do các nước bạn tư vấn thiết kế. Đặc biệt, cầu Nhật Tân rất độc đáo, là cầu dây văng lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Kế thừa truyền thống của các cây cầu cũ, 4 cây cầu dự kiến cần phát huy được tinh thần trên.
Xin cảm ơn ông!