Tiếp nối dự án "Hồn nhiên như cô tiên" với 4 không gian chính được trưng bày tại 22 Hàng Buồm – một không gian di sản có lịch sử hơn 200 năm, “Cõi tiên” là niềm cảm hứng cho các họa sĩ trẻ đắm chìm trong cảm xúc và sáng tạo trong vòng 2 tháng qua.
Anh Nguyễn Thế Sơn, người trực tiếp hướng dẫn nhóm tác giả thực hiện dự án cho biết, dự án này đi sâu vào việc nghiên cứu hình tượng tiên nữ trong văn hóa mỹ thuật truyền thống của Việt Nam. “Một điều đặc biệt, từ ngày xưa, hình tượng tiên xuất hiện chủ yếu trong mảng chạm khắc của đình làng. Nay, bằng nghệ thuật, tiên đã được quay trở lại với chính ngôi đình”, tác giả Thế Sơn chia sẻ về lý do lựa chọn trưng bày triển lãm tại đình Nam Hương.
Những tác phẩm này được thể hiện trên các chất liệu từ truyền thống như: lụa, sơn mài, giấy dó… đến những chất liệu mới như: digital art, video art, sắp đặt,… giúp người xem dễ dàng tiếp cận được hình ảnh văn hóa truyền thống này.
Chị Trần Thị Hội, tác giả bức tranh “Cõi tiên” chia sẻ, tác phẩm này của chị được vẽ bằng màu nước trên nền chất liệu lụa. Đáng chú ý, dưới lớp lụa là một lớp giấy dó được trang trí toàn bộ bằng những họa tiết cổ. “Bức tranh này vẽ những cô tiên của thế kỷ XVII, XVIII. Chúng tôi đã đi thực tiễn ở nhiều ngôi đình và tìm hiểu nhiều tài liệu để có thể vẽ tác phẩm một cách ấn tượng nhất”, chị Hội chia sẻ.
Với triển lãm "Cõi tiên", nhóm tác giả mong muốn tiếp tục những hoạt động thực hành sáng tác và trưng bày triển lãm đối thoại với không gian và nơi chốn theo mô hình dự án "Xưởng lụa" - từng thực hiện mấy năm trở lại đây”.
Tại triển lãm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long gửi lời cảm ơn đến nhóm tác giả trẻ khi đã kể câu chuyện về văn hóa truyền thống Việt Nam qua hình thức nghệ thuật, góp phần nối dài và lan tỏa văn hóa Việt đến cộng đồng.