Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa Tráng Việt thành vùng nguyên liệu rau củ quả

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những vựa rau củ quả lớn nhất của Hà Nội, nhưng năm nào bà con nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cũng phải hứng chịu ít nhất một vụ mùa bị rớt giá. Câu chuyện hàng trăm tấn củ cải buộc phải đổ bỏ do không thể tiêu thụ thời gian qua là hệ quả tất yếu của khâu bảo quản chế biến còn hạn chế.

Chi phí sơ chế thủ công quá cao
Theo thống kê, tại xã Tráng Việt hiện có 304ha sản xuất rau củ quả. Trong đó, có 134ha canh tác theo hướng an toàn và 10ha trồng với tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh các loại rau ăn lá phổ biến, củ cải được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế lớn. Toàn xã có khoảng 90ha trồng chuyên củ cải gối vụ, mỗi năm trồng 5 lứa bằng giống Hàn Quốc, Nhật Bản. Năng suất đạt trung bình 80 tấn/ha. Với giá bán từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, mỗi héc ta củ cải cho doanh thu tới 500 triệu đồng/lứa.
 Củ cải được thu hoạch tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh
Dù vậy, sản xuất nông nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thời điểm sau Tết nguyên đán năm 2018, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học… chưa hoạt động nhiều nên tốc độ tiêu thụ củ cải chậm. Giá rớt không phanh, có thời điểm chỉ còn 500 đồng/kg, cùng với việc củ cải phát triển nhanh, cây cải bị trổ hoa sớm khiến nhiều bà con nông dân xã Tráng Việt buộc phải nhổ bỏ trên 10ha.

Trước tình trạng củ cải rớt giá, tiếc công chăm bẵm, một bộ phận người nông dân đã chuyển sang cắt lát, phơi khô để tiêu thụ dần. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Sáng - một hộ trồng củ cải tại xóm 4, thôn Đông Cao, chỉ tính chi phí thuê người rửa củ cải cũng mất khoảng 300.000 đồng/ngày, chưa kể tiền công cắt lát, phơi khô. Chi phí sơ chế quá cao, hạch toán kinh tế cho lời lãi thấp là nguyên nhân chính khiến phần lớn bà con nông dân xã Tráng Việt không mấy mặn mà với việc tận thu số lượng củ cải khó tiêu thụ.
Cần có cơ chế đặc thù
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp thôn Đông Cao Vũ Văn Kỳ, nếu có hệ thống sơ chế, nhiều hộ trồng củ cải đã không chịu thua lỗ nặng trong đợt rớt giá vừa qua. Việc xây dựng một nhà sơ chế rau củ quả các loại tại vựa rau xã Tráng Việt là đòi hỏi cấp thiết, tuy nhiên theo ông Kỳ, mong mỏi này của đông đảo nông dân nơi đây chưa thể thực hiện được... do không có quỹ đất.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Bí thư Đảng ủy xã Tráng Việt Nguyễn Mạnh Xuyên cho biết, hiện địa phương không thể bố trí một diện tích đủ lớn phục vụ xây dựng nhà sơ chế do vướng quy hoạch. Trong khi đó, diện tích vùng đất bãi ngoài hành lang đê sông Hồng rất lớn, nhưng không thể tiến hành xây dựng do quy định của Luật Đê điều.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định nhận định: Xã Tráng Việt có đủ điều kiện để phát triển thành một vùng nguyên liệu rau củ quả uy tín của Hà Nội. Theo đó, UBND huyện Mê Linh cần sớm xây dựng đề án phát triển cụ thể dành cho vựa rau củ quả lớn nhất nhì của TP này.

Trước những khó khăn kể trên, ông Định đề xuất UBND TP Hà Nội có cơ chế đặc thù để phát triển vùng rau củ quả xã Tráng Việt, bắt đầu bằng việc nghiên cứu, cho phép xây dựng một nhà sơ chế với thiết kế giản đơn. Ông Định cho rằng, điều này không chỉ có ý nghĩa lớn đối với người nông dân, mà còn nâng cao chất lượng nông sản, từng bước hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế cho nhóm ngành rau củ quả của Thủ đô. Cũng theo ông Định, khi xây dựng nhà sơ chế, cần tính toán đến quy mô và công suất thiết kế, bảo đảm việc vận hành hệ thống liên tục, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu rau củ quả khi đã có cơ sở sơ chế.

“Vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam đã chấp thuận hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nhà sơ chế. Bài toán về vốn xem như đã được tháo gỡ, tuy nhiên, vấn đề xây dựng ở đâu và với quy mô như thế nào, thì đến nay vẫn còn bỏ ngỏ…” - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp thôn Đông Cao Vũ Văn Kỳ cho biết thêm.