Ứng phó với BĐKH dựa vào cộng đồng được đánh giá là phương pháp phát huy hiệu quả cao, mang tính bền vững.
Mái nhà của một hộ dân phường Trần Phú, quận Hoàng Mai bị thổi bay do lốc xoáy đêm 20/5.Ảnh: Quỳnh Hạ
Thời tiết nguy hiểm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn T.Ư, tới đây, các tỉnh Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa vừa, mưa to. Tại khu vực Trung Bộ, nắng nóng cũng có khả năng xảy ra song không kéo dài, mức độ ít gay gắt và tập trung ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Gió mùa Tây Nam bắt đầu ổn định và hoạt động ở mức độ trung bình đến mạnh trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, do vậy lượng mưa có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, đây là thời kỳ chính của mùa mưa ở Bắc Bộ, do vậy cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, dông mạnh có thể kèm theo mưa đá, tố, lốc. Đặc biệt, các tỉnh vùng núi phía Bắc cần đề phòng các hiện tượng lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn gây ra. Trên các sông Bắc Bộ có khả năng xảy ra các đợt lũ có biên độ dao động từ 150 - 250cm. Các sông ở Bắc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ vừa và nhỏ.
Mới đây, sáng 10/6, do mưa lớn kéo dài, trên các tuyến Quốc lộ 12, tỉnh lộ 127, tỉnh lộ 128 ở tỉnh Lai Châu xuất hiện tình trạng sạt lở đất đá, khiến giao thông bị ngưng trệ. Lũ ống lên cao đã đánh sập cầu tạm Nậm Hò, tạo khoảng cách đứt quãng trên Quốc lộ 12 khoảng 20m. Trên tỉnh lộ 128, tại Km số 5 cũng xảy ra tình trạng sạt lở cục bộ gây tắc đường. Thời tiết nguy hiểm không chỉ diễn ra tại các tỉnh mà ngay tại Hà Nội, sau trận mưa lớn vào tối 20/5 kèm theo lốc xoáy bất ngờ quét qua Tổ 11, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai làm hư hại hàng chục ngôi nhà. Theo ghi nhận, lốc xoáy chỉ quét qua khu vực nói trên khoảng 5 phút nhưng đã giật tung mái tôn, mái lợp bờ rô xi măng của hàng chục ngôi nhà, giật đứt dây điện khiến cả khu vực mất điện. Cũng trong tối 20/5, lốc xoáy đã quét qua khu vực thôn Vĩnh Ninh xã Vĩnh Quỳnh huyện Thanh Trì, làm đổ sập tường khiến 1 người tử vong.
Huy động sức mạnh cộng đồng
Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện một số nghiên cứu nhằm tìm ra cách can thiệp thích hợp để ngăn chặn thiên tai, bão lũ. Tuy nhiên, phần lớn các biện pháp ngăn chặn đều mang tính kỹ thuật và trong các nghiên cứu hoặc chính sách lại không đề cập đến sự thích nghi của người dân địa phương và cộng đồng. Trong khi, cộng đồng có vai trò chủ chốt trong thích ứng và ứng phó với BĐKH.
TS Lương Quang Huy (Cục Khí tượng Thủy văn & BĐKH) đánh giá, quần chúng là lực lượng đông đảo, có khả năng huy động nhanh chóng để ứng phó với những trường hợp cấp bách. Các cộng đồng có sự am hiểu rõ về khu vực, có khả năng đánh giá tác động tại chỗ của BĐKH thông qua quan sát hàng ngày và tự tìm biện pháp đối phó. Để tránh được những hoạt động thích ứng sai, họ cần được cung cấp đầy đủ thông tin về BĐKH cũng như chiến lược thích ứng ở quy mô lớn và toàn diện.
Theo TS Nguyễn Phương Loan (ĐHQG Hà Nội), cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH. Xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường; thay đổi hành vi, thái độ, thúc đẩy mọi người tự nguyện tham gia và lôi cuốn người khác cùng tham gia vào các hoạt động chung, từ đó giảm nhẹ BĐKH từ đơn giản đến phức tạp. "Với Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung, tiết kiệm điện và sử dụng các nguồn điện tái tạo là những cách giảm phát thải cacbon trực tiếp và hiệu quả nhất. Trắng hóa mái nhà và xanh hóa mái nhà, tường nhà, vỉa hè cũng là những khuyến cáo hợp lý cho các đô thị xanh thích ứng với BĐKH. Nghiên cứu cho thấy, 10m2 mái nhà màu trắng có thể làm giảm 1 triệu tấn CO2/năm và giúp giảm 20% chi phí sử dụng điều hòa nhiệt độ. Bên cạnh đó, phân loại rác, tái chế và đổ rác đúng nơi quy định cũng là một cách giảm phát thải cacbon. Do vậy, cần phát triển các hành vi giúp cho việc xử lý rác theo hướng thân thiện với môi trường" - TS Nguyễn Phương Loan chia sẻ.
Đại diện Bộ TN&MT khẳng định, những thông tin về BĐKH, thiên tai là những thông tin quan trọng giúp giới khoa học, các nhà hoạch định chính sách trong quá trình xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch... Đây cũng là tiền đề để Việt Nam đưa ra các phương án chủ động thích ứng với những tác động bất lợi của thời tiết, BĐKH.
Nghị quyết Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đặt mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. |