Thành tích bất ngờ này khiến thứ hạng của Đoàn thể thao Việt Nam trên bảng tổng sắp huy chương được cải thiện đáng kể. Nhưng, ở một góc độ khác, từ cột mốc lịch sử mang tên Hoàng Xuân Vinh, các nhà quản lý thể thao cần giải đáp được câu hỏi: Nên đầu tư thế nào cho hiệu quả? Từ bài học Hoàng Xuân Vinh Câu chuyện về thành công của Hoàng Xuân Vinh rất đáng để ngành thể thao đúc kết thành bài học kinh nghiệm. Bản lĩnh là yếu tố đầu tiên quyết định thành công của xạ thủ này. Hoàng Xuân Vinh năm nay 42 tuổi và đã có cả chục năm thi đấu đỉnh cao với rất nhiều giải đấu quốc tế, qua đó giúp anh trui rèn bản lĩnh. Nhưng quan trọng hơn, anh luôn nằm trong diện quy hoạch huy chương của ngành thể thao nên được đầu tư xứng đáng. Khác với các đồng đội trẻ phải tập bắn chay, Hoàng Xuân Vinh chưa bao giờ bắn mà thiếu đạn. Anh thường xuyên được đi tập huấn nước ngoài.
Chưa hết, sự góp mặt của chuyên gia người Hàn Quốc - ông Park Chung Gun đã giúp thành tích của Hoàng Xuân Vinh được cải thiện đáng kể. Ông Park Chung Gun từng là vận động viên bắn súng có hạng nên có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật giúp Hoàng Xuân Vinh thăng tiến. Phải chọn những môn thể thao phù hợp Ngành thể thao được hái quả ngọt Hoàng Xuân Vinh do biết cách vun trồng. Tuy nhiên, nhiều nội dung khác cũng được đầu tư mạnh mẽ nhưng lại không có thành tích như mong muốn. Theo lý giải của các nhà chuyên môn, nhiều môn thể thao được đầu tư nhưng khoảng cách về trình độ với các nước tiên tiến quá lớn nên không thể có huy chương. Đơn cử như trường hợp của Ánh Viên, dù có thành tích tốt nhất nhưng vẫn kém ngưỡng giành huy chương Đồng Thế vận hội một khoảng cách rất lớn. Ánh Viên là một tài năng thiên bẩm, có tố chất tốt, nhưng vẫn không thể so sánh với những VĐV của các nước có nền thể thao mạnh. Đó là một sự thật mà các nhà chuyên môn cần phải tính đến. Trước đây, ngành thể thao thường bị động trong chiến lược đầu tư. Khi được vận động, chúng ta tổ chức đầu tư mạnh cho một số môn thể thao và ngay lập tức có huy chương. Nhưng khi môn thể thao trọng điểm được đưa vào chương trình thi đấu của ASIAD hay SEA Games thì những nước đã vận động lập tức quay lưng và các VĐV Việt Nam lâm vào cảnh trắng tay như từng xảy ra ở các môn võ thời gian qua. Bên cạnh việc đầu tư theo xu thế, thể thao Việt Nam cũng cần phải cân nhắc đầu tư vào những môn thể thao có tính đối kháng cao. Những môn thể thao như điền kinh, bơi lội được cho là không mang lại cơ hội cho thể thao Việt Nam ở đấu trường thế giới cũng như Olympic. Đây là thực tế bởi tố chất con người quyết định thành công ở những môn thể thao này. Bản thân các nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng ý thức được điều đó nên họ chú trọng đến những nội dung có thể phù hợp với thể trạng con người Việt Nam, điển hình như việc môn cử tạ thường tập trung vào hạng cân nhẹ là 56kg. Vậy nên, từ thành công của Hoàng Xuân Vinh, nên chăng ngành thể thao cần phải hoạch định lại sách lược hội nhập. Cần phải có sự phân định tầm nhìn đến SEA Games, ASIAD và Thế vận hội để có những đầu tư tương xứng. Quan trọng nhất là cần phải tổ chức hội thảo khoa học nhằm tìm ra được những môn thể thao và cách thức đầu tư sao cho hiệu quả nhất.
Hoàng Xuân Vinh và huy chương Bạc ở nội dung 50m súng bắn chậm. |