Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng áp đặt con chọn trường, chọn ngành

Lưu Ly (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều phụ huynh mong muốn, thậm chí áp đặt con chọn trường, chọn ngành mà mình thích thay vì để con chọn theo đam mê, sở trường của các con.

 PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội 
Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bố mẹ phải trang bị kiến thức và định hướng ngành, nghề chứ không nên áp đặt nghề cho con.
Không lựa chọn theo độ “hot” của ngành
Trước mỗi kỳ thi, học sinh luôn đứng trước ngưỡng chọn trường, chọn ngành nghề. Ông có khuyến cáo gì đối với phụ huynh thời điểm này?
- Thường bố mẹ hay bắt con toàn tâm toàn ý làm theo những gì mình sắp đặt; lựa chọn cho con những điều mà họ cảm thấy hứng thú và bắt con phải chiều theo ý mình. Nhiều người không hiểu, chính điều này sẽ khiến con cảm thấy chán nản, trong trường hợp gặp thất bại thì con lại đổ lỗi cho bố mẹ. Theo tôi, bố mẹ phải trang bị kiến thức về ngành nghề và định hướng cho con chứ hoàn toàn không nên áp đặt, đừng bao giờ dùng những hiểu biết, lý lẽ của mình để áp đặt lên những lựa chọn, ước mơ cháy bỏng của con.
Thưa ông, bố mẹ phải làm sao để định hướng ngành nghề cho con tốt nhất?
- Bố mẹ Việt thường định hướng con cái theo mức độ "hot" của ngành, nghề hay mối quan hệ có sẵn. Tuy nhiên, họ không hiểu được rằng có thể ngành, nghề đó "hot" ở thời điểm hiện tại nhưng 5 - 6 năm sau thì chưa chắc còn "hot" nữa. Vậy nên, bố mẹ cần cân nhắc vì xu hướng ngành nghề biến đổi rất nhanh, thậm chí máy móc có thể thay thế.
Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh phải hiểu về sự phát triển của nghề nghiệp và xu hướng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hãy để con cái phấn đấu bằng năng lực thực sự của mình. Đặc biệt, bố mẹ phải hiểu năng lực, sở thích cũng như ưu, nhược điểm, tính cách để định hướng con theo ngành nghề, môi trường làm việc phù hợp.
Nhiều bố mẹ lo ngại, lứa tuổi của các em chưa chín chắn, chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống nên khó chọn được nghề phù hợp với bản thân mà xã hội lại cần?
- Đúng là qua khảo sát khối lớp 11 và 12, khi hỏi các em thích gì, sau 5 năm nữa các em muốn trở thành người như thế nào, có hình dung trong đầu về mục đích cuộc sống hay không, phần lớn trả lời là không. Trong trường hợp này, để các em định hướng hay tự lựa chọn e rằng chưa chắc phù hợp. Vậy nên, các em cần có những người tham vấn tâm lý học đường, tâm lý hướng nghiệp hay đánh giá về xu hướng định hướng nghề nghiệp. Các chuyên gia có thể biết ngành, nghề mới xuất hiện trong tương lai và yêu cầu phẩm chất của từng ngành đó để tư vấn phù hợp, từ đó, phụ huynh, học sinh sẽ bàn bạc và quyết định.
Lựa chọn công việc xã hội cần
Theo ông, nên lựa chọn công việc theo đam mê, sở thích hay lựa chọn nghề mà xã hội cần?
- Lựa chọn công việc theo đam mê, sở thích là đúng. Tuy nhiên, phải mở rộng thêm là đam mê đó có phù hợp, có phục vụ nhu cầu nào của xã hội hay không? Có nhiều học sinh nói em đam mê công việc này, công việc kia nhưng chưa tìm hiểu xem xã hội đã cần hay chưa.
Các bạn trẻ nên cân bằng đam mê với công việc mình lựa chọn, cần có sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn - những người làm công tác hướng nghiệp. Đam mê có thực sự là tài năng để bản thân đi đến cùng với nó hay đam mê đó là sở thích cá nhân tức thời. Trên thực tế, đam mê thôi chưa đủ, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là phải có tài năng nếu muốn thành công.
Theo ông, các bạn trẻ cần làm gì để chuẩn bị hành trang cho nghề nghiệp tương lai?
- Đầu tiên, các bạn cần xác định con đường học tập và sự nỗ lực phấn đấu trong suốt quá trình. Kỹ năng cơ bản của công dân thế kỷ 21 là trang bị cho mình kiến thức thông qua các hoạt động trên lớp và ngoài xã hội. Những kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng xử, năng lực về công nghệ, ngoại ngữ… là vô cùng cần thiết. Sau đó, các bạn khám phá xu hướng, trải nghiệm môi trường nghề nghiệp khác nhau để đem lại hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!