Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng biến trẻ em thành cỗ máy kiếm tiền

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em đang trở thành đích ngắm của các show truyền hình vốn là sân chơi dành cho người lớn. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, nhưng chưa có cơ quan quản lý nào “tuýt còi”.

“Thả rông” cho các đơn vị sản xuất
Có đến 10 năm, sau khi Đồ Rê Mí ra mắt chương trình đầu tiên, bên cạnh những tiếng cười mang lại, không ít lời xôn xao bàn tán chuyện hậu trường, từ những màn diễn nhập vai của đứa trẻ 8 tuổi trong “Thúy Vân giả dại”, “Cô đôi thượng ngàn”... Phàn nàn là thế, Đồ Rê Mí vẫn tồn tại qua 10 năm với nhiều màn lố hơn. Và không chỉ có Đồ Rê Mí, trên sóng truyền hình nở rộ các chương trình truyền hình thực tế nhí. Trẻ em trở thành cỗ máy kiếm tiền cho các nhà đài và các đơn vị sản xuất như Cát Tiên Sa, BHD… cùng các chương trình mang tên: Người hùng tí hon, Siêu nhí tranh tài của Truyền hình Vĩnh Long; Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Chung sức nhí, Nhân tố bí ẩn nhí, Hòa âm ánh sáng nhí, Vua đầu bếp nhí...

Chương trình “Giọng hát Việt nhí” - một trong những gameshow thu hút đông đảo khán giả.

Trong mỗi showgame, người đạt giải nhất có thể dành 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền giải thưởng. Với cách chi khủng cho giải thưởng và ban giám khảo, có thể thấy đơn vị sản xuất kiếm bội tiền từ quảng cáo. Theo báo giá quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo & Truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (TVAD), mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí đã có giá quảng cáo lên tới 320 triệu đồng cho 30 giây trong một số lên sóng. Trong khi đó, mỗi một lần phát sóng, Công ty Cát Tiên Sa thu hút đến 20 – 30 phút thời lượng quảng cáo. Nhiều chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em đã vượt qua các chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn về chỉ số rating (lượt xem truyền hình). Nhiều thống kê cho thấy, năm 2015, đều phát sóng khung giờ vàng trên VTV3, nhưng Bước nhảy hoàn vũ chỉ đạt 4,7% rating toàn quốc thì Bước nhảy hoàn vũ nhí ngay khi phát sóng đã đạt 6,5%. Tương tự, Giọng hát Việt mùa 3 cũng chỉ đạt rating 4,5%, trong khi Giọng hát Việt nhí là 5,4%. Vì lượng rating cao nên giá quảng cáo của các chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em đắt hơn cả truyền hình thực tế dành cho người lớn.
Các đơn vị sản xuất những chương trình truyền hình thực tế nhí ở Việt Nam vẫn luôn khẳng định, họ xây dựng nên các chương trình dành cho trẻ em là nhằm tạo sân chơi cho các em nhỏ, giúp các em phát triển tài năng. Công ty Cát Tiên Sa đứng đầu số lượng sản xuất chương trình truyền hình nhí phát sóng trên VTV: Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy ngàn cân nhí… Chính vì vậy, dễ hiểu khi ông Nguyễn Quang Minh – Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa cho rằng các chương trình truyền hình thực tế ra đời là để cân bằng nhu cầu giải trí của trẻ em Việt Nam với trẻ em thế giới. Thiếu nhi Việt chưa được hưởng nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí nên các chương trình truyền hình thực tế sẽ góp phần giúp các em có thêm nhiều kênh để vui chơi, giải trí và thể hiện tài năng của mình.
Mới đây, trong chương trình Café sáng của VTV3 đã dành thời lượng không nhỏ với vị khách mời là đạo diễn Quang Dũng – người tham gia đạo diễn và ban giám khảo không ít chương trình truyền hình thực tế thiếu nhi, để cùng biện minh cho việc lạm dụng trẻ em tham gia các gameshow của "nhà đài". “Các chương trình truyền hình không riêng gì thiếu nhi, kể cả người lớn, người dân đều là trải nghiệm thú vị. Nhiều năm làm Ban giám khảo Việt Nam Idol có quan sát, qua một đêm đăng quang, thí sinh trở thành người nổi tiếng nên họ chưa quen ứng xử đám đông. Cũng có thể là văn hóa, nền tảng chưa đáp ứng được vị trí đó. Tâm lý tung hô sau đăng quang là một chuyện bình thường, điều quan trọng là môi trường giáo dục ở gia đình giúp các em không ngộ nhận mình” – đạo diễn Quang Dũng cho biết. Những ý kiến đổi lỗi cho gia đình trong việc ứng xử chưa tốt của “ngôi sao” nhí sau đăng quang, hay khuyến khích trẻ em kiếm tiền giúp đỡ gia đình từ tiền giải thưởng và sau giải thưởng của đạo diễn Quang Dũng đã gặp không ít phản ứng của các bậc cha mẹ có con em ở tuổi thiếu nhi. Chị Thanh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Một đứa trẻ tuổi 7 - 15 còn đang tuổi ăn tuổi chơi, phải chạy hết sô này đến sô khác kiếm tiền cho gia đình thì có gì để tự hào. Chính các chương trình của Đài truyền hình đã tiếp tay cho bệnh “ngôi sao” của những đứa trẻ chứ không phải là gia đình”.
Ai có thể “tuýt còi”?
Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã siết chặt lại hoạt động của các chương trình giải trí liên quan đến trẻ em. Tại Mỹ, khi trẻ tham gia chương trình truyền hình hay xuất hiện trên truyền thông đều phải có sự cho phép của người giám hộ và một bên thứ ba giám sát. Năm 2013, Thượng viện Pháp đã thông qua việc ngừng tổ chức các cuộc thi sắc đẹp dành cho các thiếu nữ dưới 16 tuổi để tránh việc lạm dụng hình ảnh của trẻ vị thành niên. Còn ở Hàn Quốc, nhiều chuyên gia giáo dục nước này đã thể hiện sự lo lắng khi có những em nhỏ nhanh chóng trở nên nổi tiếng, được người dân cả nước biết đến chỉ sau một đêm, đồng nghĩa với việc các em phải gánh trên vai những áp lực từ phía dư luận. Thực tế, khán giả khi xem chương trình luôn bình luận, yêu ghét theo cảm tính của riêng mình và được các phương tiện truyền thông đăng tải lại, vô tình gây nên tổn thương đến tâm hồn con trẻ. Cách đây mấy tháng, Trung Quốc đã ra lệnh cấm ghi hình và phát sóng chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế” và còn yêu cầu hạn chế đưa trẻ em vào các chương trình truyền hình thực tế, những chương trình sử dụng đối tượng trẻ em làm nhân vật khai thác. Trước quyết định này, dư luận thế giới đều thể hiện sự đồng tình, cho rằng những chương trình thực tế đang khai thác hình ảnh, xâm phạm tới sự riêng tư của các em.
Nhưng ở Việt Nam thì chưa có một cơ quan nào “tuýt còi” trước việc chương trình truyền hình thực tế tràn ngập sóng truyền hình. “Ở nước ta, không có quy định giờ nào các chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em được phép phát quảng cáo, phát vào giờ nào, phát ra sao… Trước đây, đến giờ ăn cơm tối, trẻ em được xem chương trình “Bông hoa nhỏ” hoặc phim hoạt hình… Nay các chương trình nhí cứ ngập sóng truyền hình, nhiều khi kéo dài qua cả 12 giờ đêm. Chương trình cứ mặc kệ trẻ em, cứ mặc kệ ăn uống, cứ mặc kệ văn hóa… để quảng cáo kiếm tiền. Nào thì thuốc “ông uống bà khen”, băng vệ sinh phụ nữ, thuốc kích dục, các loại sâm cho nam giới… Đây là một sự lẫn lộn khó chấp nhận. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa” - ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ LĐTB&XH).
Hiện nay, truyền hình trả tiền đã có những kênh truyền hình riêng cho trẻ em như: Bibi, CNN… Chính vì vậy, các kênh truyền hình T.Ư như VTV cần phải cân bằng cho các sân chơi dành cho trẻ em trên truyền hình. Để làm được điều này chỉ có thể chờ đợi vào các nhà đài và nhà quản lý văn hóa.
Các em đem lại được một khoản tiền lớn cho nhà sản xuất thì các em xứng đáng nhận được khoản tiền thưởng lớn. Nhiều em gia đình rất hoàn cảnh, số tiền đã góp phần đỡ đần kinh tế cho gia đình.
Đạo diễn Quang Dũng

Bộ LĐTB&XH, Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT cần ngồi lại để đề ra các luật đảm bảo không cho các nhà sản xuất xâm phạm, lạm dụng hoặc gây tổn thương cho trẻ em. Bởi nếu không siết chặt và điều chỉnh kịp thời, trong tương lai, đối tượng trẻ em vẫn có thể bị khai thác sức lao động quá đà.
Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ LĐTB&XH)