Thực tế, những cuộc thương lượng giữa đơn vị tổ chức sự kiện, nhạc sĩ sáng tạo, đơn vị nhận tiền tác quyền... đang âm ỉ nhiều mâu thuẫn.
Mặc cả như… mớ rau
Có vẻ lần về nước thứ 2 của ca sĩ Khánh Ly không mấy suôn sẻ: "Ế" vé cùng những lùm xùm của đơn vị tổ chức với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Sau nhiều lần thương lượng mức giá tác quyền, VCPMC và Công ty Đồng Dao - đơn vị tổ chức liveshow, không đi đến thống nhất. Để đòi được tiền, VCPMC sử dụng cách thức quen thuộc là trước ngày diễn mời báo chí lên tiếng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC cho biết: "Nếu Công ty Đồng Dao không thực hiện trách nhiệm tác quyền âm nhạc, tôi sẵn sàng lên sân khấu "Khánh Ly in Hà Nội" để khẳng định với khán giả đêm nhạc tổ chức vi phạm quy định của pháp luật. Tôi chấp nhận mọi rủi ro kể cả xô xát, bị đẩy ngã để lên sân khấu. Lúc đầu, chúng tôi liên lạc, họ không chịu hợp tác. Sát ngày diễn họ gọi điện và ra giá 1,5 triệu đồng/bài. Bên đơn vị sản xuất còn khẳng định đã thỏa thuận với người đại diện của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng khi chúng tôi cung cấp những bằng chứng ủy quyền của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đặc biệt là lá thư của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gửi đến VCPMC hôm 26/7/2014, đơn vị tổ chức mới có được bản hợp đồng thỏa thuận tiền tác quyền một giờ trước khi đêm diễn bắt đầu".
Theo khẳng định của VCPMC, đúng 14 giờ ngày 4/8, đại diện đơn vị tổ chức liveshow "Khánh Ly in Hà Nội" có mặt tại trụ sở của VCPMC để nộp 178 triệu đồng tiền tác quyền như đã thỏa thuận. Theo ông Phương, đây là mức giá tác quyền "mềm" nhất mà ông có thể đưa ra sau khi kiểm đếm cả va ly vé "ế" mà BTC trình diện. Sở dĩ có cách tính 178 triệu thay vì 260 triệu đồng như liveshow Khánh Ly lần một là phụ thuộc vào số vé bán ra, vào môi trường hoạt động nghệ thuật của từng vùng miền. Và nói như đại diện VCPMC: Trung tâm là người bán hàng nên phải có quyền… ra giá.
Sẽ cạnh tranh thu tiền?
Liveshow "Khánh Ly in Hà Nội" không phải là trường hợp đầu tiên liên quan đến các lùm xùm về tác quyền. Trước đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã không ít lần đăng đàn trên các phương tiện truyền thông đòi tiền của đơn vị tổ chức liveshow Chế Linh, liveshow Ru tình... Ông Phương cho rằng, việc làm của mình là quán triệt tinh thần bảo vệ tác quyền mà Chính phủ đã quy định trong Nghị định 61/2002/NĐ-CP và theo tinh thần của Chỉ thị 36/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Thế nhưng, phải thừa nhận, bản thân những người làm về bản quyền ở Việt Nam cũng lơ mơ về vấn đề này. Chính vì vậy, mới có chuyện người phải nộp tiền tác quyền không vui đã đành, nhạc sĩ nhận tiền cũng không thấy… hài lòng.
Đại diện đơn vị tổ chức "Khánh Ly in Hà Nội" cho rằng, cách tính của VCPMC rất phức tạp và hiện nay, trong các văn bản pháp luật không quy định cụ thể bảng mức giá tiền bản quyền các ca khúc được biểu diễn. Ông Phương cũng xác nhận, hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể bảng mức giá tiền bản quyền. Bảng mức giá tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc của VCPMC được đưa ra dựa trên cơ sở các văn bản pháp luật liên quan. Song, chuyện thu chi của VCPMC đang bị không ít người dòm ngó vì cho rằng thiếu minh bạch, mà những người trong Trung tâm đang được hưởng lợi lớn từ chính các tác phẩm của nhạc sĩ.
Thời gian gần đây, NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam không giấu ý định sẽ xin phép cấp trên cho Nhà hát thực hiện chức năng thu tiền tác quyền âm nhạc. Nếu điều này thành hiện thực thì việc thu tiền tác quyền sẽ có sự cạnh tranh giữa hai đơn vị, nhất là trong lúc thu tác quyền như kiểu ra giá đang tồn tại. Chưa thể biết mối lợi thuộc về nhạc sĩ, người sử dụng tác phẩm hay đơn vị thu tiền, chỉ hy vọng việc thu tiền tác quyền sẽ rõ ràng hơn để người dùng và người hưởng thụ "tâm phục, khẩu phục".
Liveshow “Khánh Ly in Hà Nội” sẽ phải trả 170 triệu đồng tác quyền âm nhạc. Ảnh: Hoàng Ca
|