Theo yêu cầu của Chính phủ, 11 Bộ phải cắt giảm 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 50% thủ tục kiểm tra. Trong đó nhiều nhất là Bộ Y tế có 802 mặt hàng, Bộ NN&PTNT có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm, Bộ TT&TT có 143 mặt hàng, Bộ TN&MT có 110 mặt hàng, Bộ GTVT có 128 mặt hàng… TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, cải cách lần này nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt, trực tiếp, cụ thể từ Chính phủ và các Bộ đã nhập cuộc. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đều, có bộ làm nhanh, làm tốt, có kết quả, như Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Nhưng nhiều cơ quan vẫn đang dừng lại ở mức có phương án, thậm chí mới có ý tưởng. Ông Cung kiến nghị: "Chính phủ cần có công cụ kiểm tra, giám sát thường xuyên việc này. Bởi sự chần chừ cải cách vẫn còn rất lớn trong nội bộ các bộ"- TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, không chỉ tạo nền tảng mà còn phải đột phá theo hướng tận dụng cơ hội của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.“Hiện kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước đạt trên mức 400 tỷ USD/năm, cần hướng tới thực hiện thủ tục điện tử 100%”- Thành viên tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình với kiến nghị của các chuyên gia. Thứ trưởng Tuấn cho biết, ngay cả khi năm 2018 giảm được thủ tục kiểm tra chuyên ngành từ trên 30% xuống 15% thì tỉ lệ này vẫn cao hơn trung bình các nước là 7%.Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới là chấm dứt sự chồng chéo giữa các bộ, một nhiệm vụ chỉ một đầu mối xử lý. "Từ 15/3 tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể tại từng bộ, ngành và lần này sẽ xuống tận huyện, tận địa phương, bởi sự nhiêu khê của thủ tục nó nằm ở nhiều ngóc ngách lắm"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. Đồng thời nhấn mạnh: "Cắt giảm, bãi bỏ phải thực chất chứ không hình thức, cơ học thuần tuý. Cắt giảm không phải chỉ là sửa chữa, cài cắm câu chữ làm khó DN, không được để tình trạng cắt thủ tục này lại mọc quy định khác".