Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để dân bị “móc túi”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cho thấy, hàng loạt bất cập, sai phạm đã được kết quả kiểm toán nêu ra.

Đó là tình trạng nhiều người dân không đi qua đường có dự án BOT nhưng vẫn phải trả phí, các điểm đặt BOT dày đặc, không đúng quy định “móc túi” người dân…
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Kết quả kiểm toán cho thấy, hiện tại, trong các văn bản quy phạm đã ban hành chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án "nâng cấp, cải tạo" hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT. Bên cạnh đó, vấn đề gây bức xúc nhất thời gian qua là mức phí BOT. Sau khi rà soát các chi phí đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát với thực tế và phù hợp với quy định của Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu do đơn vị lập ra.

Như vậy, có thể thấy, việc hài hòa lợi ích người dân - DN trong triển khai và vận hành các dự án BOT đang có vấn đề. Trong khi người dân bị “móc túi” một cách oan ức thì DN BOT chỉ chăm chăm thu lợi. Nhiều dự án BOT chỉ cải tạo, nâng cấp, lót lại nền đường nhưng DN vẫn thản nhiên thu phí cao ngất ngưởng.

Điều đáng nói, các vấn đề này được Kiểm toán Nhà nước nêu ra không chỉ một lần. Tuy nhiên, những sai phạm đó chỉ dừng ở kiến nghị xử lý. Chưa có một cá nhân, tập thể cụ thể nào bị kiểm điểm, “bêu tên” hay kỷ luật. Vì thế, dư luận có lý do để nghi ngờ, có hay không lợi ích nhóm tại các dự án BOT. Sai phạm khó xử lý hay vì các bên cả nể, làm ngơ bỏ qua? Từ đây, câu chuyện về tăng cường giám sát hoạt động các dự án BOT cũng được đặt ra. Chừng nào cơ chế giám sát còn chưa đủ sức răn đe, chừng đó người dân sẽ còn bị “móc túi”.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, trong số 27 dự án được kiểm toán thì hầu hết là chỉ định thầu. Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao tổ chức một hội nghị cũng phải đấu thầu nhưng những dự án nghìn tỷ như BOT lại chỉ định thầu? Thời gian liệu có gấp gáp đến vậy không?

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thực hiện chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cho dự án. Yếu tố công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, công khai các chi phí thu - chi cũng rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho người dân. Tránh tình trạng dư luận bất bình phản đối các chủ đầu tư dự án BOT như thời gian qua và quan trọng là sự minh bạch, bảo đảm hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước, DN, không để tình trạng DN BOT “móc túi” người dân.