Đừng để người dân buộc phải vi phạm trật tự xây dựng và phải gắn trách nhiệm của thanh tra xây dựng với địa bàn - đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp chấn chỉnh công tác trật tự xây dựng (TTXD) đô thị với lãnh đạo Sở xây dựng và 12 quận nội thành chiều 21/8.
Rõ trách nhiệm Với những xáo trộn do chuyển giao lực lượng Thanh tra Xây dựng từ quận, huyện về Sở Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2014, vi phạm TTXD tăng lên về số lượng và mức độ phức tạp. Tỷ lệ công trình vi phạm xấp xỉ 13%, gần gấp đôi so với năm 2013. Sau tháng 6, lực lượng Thanh tra Xây dựng đã cơ bản được kiện toàn, tỷ lệ công trình vi phạm cũng giảm xuống mức tương đương năm 2013. Trước tình hình vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ, nhằm tăng cường quản lý TTXD đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đơn giản thủ tục, tạo điều kiện cho người dân xin phép XD nhanh nhất, thuận lợi nhất, là gốc của vấn đề. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch nhấn mạnh, TTXD đô thị có tốt hay không là ở chính quyền địa phương và Sở Xây dựng. Trước đó, tại Văn bản chỉ đạo của TP số 6175/UBND-XDGT ngày 19/8, một lần nữa UBND TP khẳng định trách nhiệm là của lãnh đạo địa phương và Thanh tra XD địa bàn. "Mỗi phường trung bình có 2 Thanh tra XD nên không thể bỏ sót các sai phạm. Vi phạm trước sau cũng bị phát hiện, cái nhà chứ đâu phải cái kim. Lấn chiếm đất công, vi phạm hành lang giao thông, xây dựng trái phép… chính quyền phải biết, Thanh tra XD phải biết" - Phó Chủ tịch khẳng định. Giãi bày về những khó khăn với lực lượng Thanh tra XD trong quá trình xử lý vi phạm, ông Nguyễn Quốc Hoa - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, qua thực hiện tổ chức bộ máy Thanh tra XD và quy chế phối hợp, trách nhiệm được xác định rõ. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn thiếu quyền xử lý, mới chỉ là kiểm tra, phát hiện. Mặt khác, tỷ lệ thanh tra viên trong lực lượng còn ít. Quận Hoàn Kiếm có 96 Thanh tra XD nhưng chỉ có hơn 20 thanh tra viên. Muốn TTXD đi vào nền nếp, Phó Chủ tịch yêu cầu, trước hết Thanh tra XD với lực lượng 1.700 người, cần củng cố, kiện toàn lực lượng, tổ chức tập huấn, đào tạo, sắp xếp, đảm bảo lực lượng túc trực 24 giờ/7 ngày. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý tất cả các công trình. Với các khu đô thị, công trình cao tầng, phải kiểm tra, mở hồ sơ theo dõi. Tránh để vụ việc tồn tại quá lâu và không để phát sinh mới. Gắn trách nhiệm của lực lượng Thanh tra XD với chính quyền địa phương. TP sẵn sàng xử lý kỷ luật những cán bộ không làm tròn trách nhiệm. Chủ động lo cho dân Đại diện nhiều quận, huyện đã có chung ý kiến, sự phối hợp của các ngành điện, nước là rất quan trọng trong việc xử lý vi phạm một cách triệt để. Bởi không có điện, không nước thì dù chủ công trình sai phạm có chây ỳ mấy cũng phải chấp hành quy định. Tuy nhiên, sự phối hợp của các ngành này chưa tốt. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đã có quy định cụ thể. Chính quyền thông báo với các ngành điện, nước để phối hợp xử lý công trình vi phạm. Có chế tài xử phạt, xử lý kỷ luật nếu các ngành không phối hợp. Kiểm tra các khu đô thị, công trình lớn còn nhiều khó khăn cũng là vấn đề nhiều quận kiến nghị với TP. Ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, đối với các công trình XD của Sở Xây dựng cấp phép, cấp phường, Thanh tra XD chưa đủ trình độ để kiểm tra, phát hiện sai phạm. Có dự án lớn "vắt qua" cả 10 năm, nhiều dự án thay đổi quy hoạch, quy mô nhưng quận không có văn bản cập nhật nên rất khó để xử lý. Tồn tại của quận Hoàng Mai đó là tình trạng công trình không phép ở ngoài đê. Theo ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, phía Cục Đê điều không cho phép tách thửa khi không có công trình xây dựng trên đất dù có sổ đỏ vì vậy không thể cấp phép. Tình trạng này cũng xảy ra tại quận Bắc Từ Liêm. Ông Nguyễn Kim Vinh - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm kiến nghị TP sớm cắm mốc hành lang bảo vệ sông Nhuệ để xem xét cấp phép xây dựng, cấp sổ đỏ cho người dân sống ngoài hành lang và có chỉ đạo để người dân đã sống nhiều năm nay tại khu vực hành lang thoát lũ cải tạo, sửa chữa nhà dột nát. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý TTXD, quản lý đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá, trước hết, các quận, huyện, Sở Xây dựng cần tuyên truyền cho người dân biết về các quy định. Người dân không mấy ai muốn XD không phép nhưng thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Chính quyền cần chủ động lo cho dân, mời các ngành cùng vào cuộc để giải quyết, tháo gỡ cho khu vực ngoài đê, vùng thoát lũ. "Trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm đất công là số ít, không phải phổ biến. Khi người dân có nhu cầu cải tạo nhà ở là phải có cách giải quyết, chứ không phải mỗi khi người dân xin phép lại bảo là vướng đê, hành lang thoát lũ hay chưa cắm mốc giới, chỉ giới" - Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Kinhtedothi - Các công trình sai phạm tại dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ, tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng |