Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để tai nạn đường sắt trở thành nỗi ám ảnh

Thiếu úy Nguyễn Xuân Tú - Công an huyện Thanh Trì
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, hình ảnh nhiều vị khách cả Tây lẫn Ta vô tư ngồi giữa đường tàu ở Hà Nội uống cà phê, chụp ảnh kỷ niệm được giới trẻ tán dương “trải nghiệm độc đáo”.

Trong khi, giới chuyên gia gọi đó là hành động “thách thức tử thần”. Ý thức người dân chưa cao cộng với các đường ngang không đủ rộng, hệ thống cảnh giới, cảnh báo lạc hậu… đang khiến đường sắt tiềm ẩn nhiều tai nạn giao thông.
Những điểm đen tử thần

Khảo sát tuyến đường sắt chạy qua Hà Nội, hiện có khoảng 162km với 570 vị trí đường ngang giao cắt. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm khi chỉ có 183 đường ngang dân sinh hợp pháp, còn lại các lối đi dân sinh vẫn ở dạng tự mở. Hiện nay, địa phương cũng mới chỉ cảnh giới được tại 19 vị trí. Theo quan sát bằng mắt thường, các đường ngang dân sinh mà ngành đường sắt và các cơ quan chức năng gọi là “đường ngang bất hợp pháp” đều là những con đường được rải nhựa hoặc bê tông. Như vậy, sự tồn tại của những con đường này đã có từ lâu và đường ngang dân sinh được mở ra phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Nút giao Lê Duẩn - Giải Phóng. Ảnh: Công Hùng

Trung bình mỗi năm, Việt Nam xảy ra trên 300 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt, cướp đi sinh mạng của khoảng 200 người mỗi năm, gây thiệt hại về kinh tế hàng trăm tỷ đồng do đổ vỡ hàng hóa, chậm thời gian vận chuyển và phải tu bổ đường sắt. Trước đó, vào 15 giờ ngày 30/3, một ô tô 16 chỗ trên đường đi ăn hỏi bị đâm vào tàu hỏa tại khu vực ga Thường Tín khiến 7 người chết, 4 người phải đi cấp cứu. Theo tường thuật của một nhân chứng trong vụ tai nạn, khi đến gần đường sắt, dù tàu hú còi, thiết bị cảnh báo bên đường réo chuông, mọi người đã hét lên cảnh báo nhưng tài xế còn mải nói điện thoại và xe vượt qua.

Trung tuần tháng 12 vừa qua, cư dân mạng cũng bàn luận xôn xao về nhiều quán café (phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình) hoạt động ngay trên đường ray tàu... Lý giải về việc làm của mình, các chủ quán cà phê ở đây cho rằng, việc sống chung với đường sắt đã trở nên quá quen thuộc với cuộc sống của người dân nên họ cho rằng mở quán “cà phê đường tàu” là việc… bình thường. Không đồng quan điểm với hình thức quán café lưu động quá mạo hiểm trên, giới chức trách đã ngay lập tức “xóa sổ” do vi phạm, lấn chiếm vào hành lang an toàn đường sắt. Tất cả các bàn ghế, biển hiệu vì thế đã được chủ quán dọn dẹp. Hai bên hành lang đường ray đã rộng rãi hơn.

Không thể sống cùng “tử thần”

Tìm hiểu thực tế tại nhiều đường ngang dân sinh khác, nơi có đường sắt đi qua, ghi nhận nhiều thực trạng đáng lo lắng khi người dân đi qua gác chắn không tuân thủ gác chắn cảnh báo tự động đường sắt, nhân viên trực gác chắn. Do đó, để hạn chế tối đa tai nạn giao thông đường sắt phải cần tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mà trước tiên, chính quyền sở tại phải phối hợp với các đoàn thể, Nhân dân kiên quyết chặn các lối đi tự phát, dốc, khuất tầm nhìn và ít người qua lại. Thường xuyên rà soát kiểm tra để kịp thời không cho các lối đi tự phát biến thành lối mòn, thành đường quen, xây dựng lan can, tường rào tại khu dân cư và chỉ mở một hoặc hai lối đi tại nơi nhiều người qua lại nhất, thoáng tầm nhìn và có đèn tín hiệu hoặc barie.

Điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ trên phố Điện Biên Phủ, Hà Nội.

Đối với việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, việc giáo dục và tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu. Hàng tuần, các tổ chức đoàn thể của xã, phường nên tổ chức họp mặt thành viên tại nhà văn hóa để phổ biến pháp luật, tranh ảnh, chia sẻ về các câu chuyện giao thông nhằm mục đích nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người. Ngoài ra, cha mẹ, ông bà phải làm gương cho con cháu tuyệt đối không vi phạm luật giao thông, đèn tín hiệu báo có tàu phải dừng lại và giảng giải cho con ngay tại lúc đó.

Tuy nhiên cũng có một số yếu tố khách quan làm gia tăng số vụ TNGT đường sắt, đó là hàng tôn lượn sóng đôi quá cao, người đi xe máy thường có tầm nhìn thấp, khi dừng xe quay đầu nhìn lại nhiều khi không nhìn thấy tàu đang đến vì tôn lượn sóng đôi đã che hết, nếu như người đó tai cũng không nghe thấy gì thì gần như tai nạn sẽ xảy ra.

Các đoạn tôn lượn sóng nhiều đoạn cắt khúc, tạo lối cho các đường ngang dân sinh mọc lên, tôn lượn sóng và hàng rào bên trong đường sắt phải song song liên tục với nhau. Ngoài ra, còi tàu cũng cần nên thay đổi, hiện tại còi tàu khá giống với còi các xe ô tô cỡ lớn dễ gây nhầm lẫn. Cho nên, thay còi bằng tiếng khác đặc trưng hơn, trang bị thêm đèn nhấp nháy tại đầu tầu để dễ nhận biết. Thêm đó là các lối rẽ thường chất lượng đường rất thấp, chỗ thì quá dốc, chỗ thì quá nhiều đá, đường sắt quá cao dễ làm xe kẹt cứng, chết máy không nhúc nhích được ngay trên ray tàu, cần cải thiện khẩn cấp. Thiết nghĩ đây là những yếu tố khách quan mà các cơ quan chức năng cần khắc phục để giảm thiểu TNGT đường sắt.