KTĐT - Khi bị chồng ghen oan, phần lớn người vợ đều phản ứng bằng cách giải thích. Nếu chồng cố tình không thông cảm, lại kiểm soát vợ gắt gao hơn, người vợ sẽ nảy sinh tâm lý bất mãn nặng nề.
Một lần bị chồng "cằn nhằn" vì đi ăn tiệc về muộn, Lan ấm ức đến phát khóc. Sau đó, dù giải thích thế nào, anh Minh – chồng Lan cũng không tin vợ. Anh cấm vợ không được đi liên hoan cùng công ty, không du lịch hay nghỉ mát, không làm thêm sau giờ, hết buổi làm là phải về nhà ngay…
Cảm thấy bị oan ức, Lan không phục. Lan cố tình đi ngược lại những quy tắc của chồng vì cô nhận thấy, bản thân không làm gì sai trái. Nếu chồng có hoạch họe cú điện thoại này của ai, tin nhắn kia có nguồn gốc thế nào, Lan cũng một mực không nói. Lan càng im lặng, chồng càng được thể làm căng. Cuối cùng, do không chịu nổi, cô đã xin về bên ngoại.
Cũng muốn phản đối kiểu ghen “vớ vẩn” của chồng, Nhâm (Mai Dịch, Hà Nội) phản ứng bằng cách “không nghe, không biết”. “Mỗi tin nhắn đùa: "Vợ ơi, ngủ chưa?" từ người bạn cũ, tôi đã bị chồng nghi ngờ phản bội” – Nhâm hậm hực kể.
Giải thích thế nào, chồng cũng không tin nên Nhâm thành ra “thù ghét” chồng. Vì chán phải về nhà, đối mặt với bộ mặt “hầm hầm” của chồng nên sau giờ làm, Nhâm cố tình đi dạo phố một chút. Lúc chồng gọi điện, Nhâm không nghe máy.
Nhâm cho biết: “Muốn được thư giãn một chút vì cảm thấy bị tổn thương khi chồng nghi oan”. Tuy nhiên, hành động này của Nhâm giống như “lửa bỏ thêm dầu”. Hôm đó trở về nhà, vợ chồng Nhâm cãi nhau một trận. Cô khẳng định chỉ đi hóng gió một mình nhưng chồng nhất định không tin.
Chồng Nhâm còn bắt vợ phải xóa bỏ tên người bạn cũ trong danh bạ điện thoại; nếu anh ta gọi đến thì phải từ chối, không được nhắn tin hay trả lời lại… Thấy vô lý, Nhâm nhất định không nghe. Lúc có mặt chồng, Nhâm vẫn vô tư nhận điện thoại của “người đó”, cốt cho chồng nghe được cuộc điện thoại để chứng minh bản thân trong sạch. “Nhưng chồng tôi bảo tôi đang đóng kịch. Càng cố giải thích thì càng bị nghi ngờ. Giờ không biết làm sao?” – Nhâm than thở.
Đừng khơi ngọn lửa đa nghi của chồng
Khi bị chồng ghen oan, phần lớn người vợ đều phản ứng bằng cách giải thích. Nếu chồng cố tình không thông cảm, lại kiểm soát vợ gắt gao hơn, người vợ sẽ nảy sinh tâm lý bất mãn nặng nề. Lúc đó, người vợ dễ suy nghĩ: “Mình không làm gì sai nên không phải sợ” và cố tình đi ngược lại những yêu cầu phi lý của chồng.
Cũng có khi, người vợ muốn chứng minh sự “trong sạch” bằng cách công khai tin nhắn, điện thoại hay cuộc gặp gỡ cho chồng. Nhưng chính điều này càng đẩy tình cảm vợ chồng vào chỗ bi đát hơn. Lý do là vì người chồng, khi đó, đã không còn đủ bình tĩnh, sáng suốt nên dễ mắc bệnh “hoang tưởng”. Mọi tình huống, chi tiết dù trong sáng đến mấy nhưng có dính dáng đến “người đó”, đều bị người chồng nhìn bằng ánh mắt “màu đen”. Khi quan điểm, suy nghĩ vợ chồng bị vênh nhau thì tất nhiên hiểu nhầm, mâu thuẫn cũng phát sinh từ đó.
Nếu người vợ lạnh nhạt với chồng vì tức giận, người chồng dễ suy nghĩ: “Cô ấy đã quan tâm đến người khác nên mới thờ ơ với mình”. Nếu người vợ thoải mái giao tiếp với người kia, chồng sẽ cho là sự ghen tuông của bản thân là đúng.
Nếu người vợ vờ như không biết, người chồng dễ suy luận là: “Chắc mình nói đúng nên cô ta mới không thể nói gì”. Nhưng nếu người vợ lớn tiếng bao biện thì chồng lại nghĩ: “Chắc phải có gì thì mới hoảng hốt thế”.
Do đó, ghen tuông luôn là tình huống nhạy cảm trong cuộc sống chung. Nếu người trong cuộc không xử lý khéo thì chuyện tưởng như không có gì lại hóa ra nghiêm trọng.
Để tránh rơi vào cảnh bực mình, người vợ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến chồng ghen, xét xem trong cách sinh hoạt có điều gì khiến chồng hiểu nhầm, từ đó khắc phục dần dần. Nếu phải về nhà muộn hoặc cần gặp mặt ai đó, hãy nói rõ với chồng từ trước. Tránh kiểu vòng vo, úp mở chỉ khiến “con sâu ghen tuông” trong chồng xuất hiện. Ngoài ra, người vợ có thể chọn lúc chồng vui vẻ để tâm sự cùng chồng, có thể mời chồng tham gia vào những hoạt động của bản thân. Đôi khi, cũng cần tỏ ra ghen ngược một chút để chồng hiểu cảm giác “bị ghen” là như thế nào.