Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng lấy mất thời gian vui chơi của trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không khó để nhận thấy, kỳ nghỉ Hè đã trở thành xa xỉ với trẻ nhỏ, đặc biệt với học sinh (HS) TP.

Cả tháng trước khi chính thức nghỉ Hè, nhiều phụ huynh đã sốt sắng tìm các lớp học thêm cho con trong Hè với nhiều môn.

Ngoại khóa… thay nghỉ Hè

Hết tháng 5 mới đến kỳ nghỉ Hè chính thức, nhưng từ giữa tháng 4, đầu tháng 5, trên các diễn đàn, sân trường giờ đón con hay cơ quan, công sở… đều nghe được câu chuyện của các ông bố, bà mẹ: Hè này cho con học gì, ở đâu? Anh Nguyễn Văn Hải, ở quận Tây Hồ có con năm nay vào lớp 1 cho biết, Hè này, gia đình đã thống nhất mục tiêu cho cô con gái phải đọc thông, viết thạo: “Cũng thấy nhiều người nói không nên cho con học sớm vì ở trường, các cô giáo dạy bài bản, theo chương trình chuẩn. Nhưng chúng tôi vẫn lo lắng, bởi nhìn nơi này, nơi kia vẫn thấy phụ huynh đưa con đi học, sợ con không theo kịp bạn bè”.
Học sinh vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong dịp nghỉ Hè. ảnh: Chiến Công
Học sinh vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong dịp nghỉ Hè. ảnh: Chiến Công
Chị Nguyễn Hương, ở quận Hoàn Kiếm tâm sự: “Song song với việc học chính khóa, gia đình vẫn cho con học thêm đàn piano và tiếng Anh bên ngoài nhà trường. Nghỉ Hè này, trước mắt vẫn duy trì 2 buổi/tuần cho mỗi môn (piano, tiếng Anh). Môn Toán, Tiếng Việt, chúng tôi đang cân nhắc đăng ký cho con học đầu hay giữa tháng 7 vì cũng muốn cho con thảnh thơi một chút. Nhìn con học ngày học đêm mà thương, nhưng vì muốn con bằng bạn bằng bè nên gia đình động viên con học”.

Về vấn đề này, em Nguyễn Gia Huy - HS trường Tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: “Hè, em chỉ được bố mẹ cho về quê vài hôm, đi biển vài hôm, thời gian còn lại chủ yếu học các môn bố mẹ đã đăng ký. Ngoài học Văn, Toán, bố mẹ còn cho em học vẽ, bơi, cờ vua và học đàn”.

Học theo khả năng

Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của phụ huynh, nhiều đơn vị đã mở lớp, chiêu sinh ồ ạt các khóa học Hè: “Học kỳ quân đội”; “Thiếu niên siêu đẳng”; “7 ngày trong quân ngũ”; “Hành trang vào lớp 1”…

Những lời quảng cáo nâng tầm, thậm chí “quá đà” phần nào đã chạm đúng vào tâm lý muốn gửi con và kỳ vọng có một khóa học khơi dậy tiềm năng cho con của cha mẹ. Nào là “Đánh thức người khổng lồ đang ngủ yên” với 2 ngày học chuyên sâu + 3 buổi học kỹ năng và 9 tháng đồng hành (Thiếu niên siêu đẳng), nào là “Tự tin, suy nghĩ tích cực, vượt qua lười biếng, tự giác, có trách nhiệm, biết lắng nghe cha mẹ” (khóa kỹ năng sống GPower)… Hơn nữa, trẻ hiện nay đang thiếu sân chơi, nên nhiều cha mẹ hy vọng đến các lớp học kiểu này sẽ khiến trẻ hoạt bát, lanh lợi vì giống các buổi ngoại khóa. Song, nếu việc học này cứ cầu toàn với ý nghĩ biến trẻ thành họa sĩ, ca sĩ… thì chẳng khác nào tạo áp lực cho trẻ, bắt chúng học một cách vô thức.

Không phủ nhận lợi ích của nhiều hoạt động ngoại khóa Hè, nhưng nếu kín Hè chỉ học ngoại khóa thì trẻ cũng sẽ bị quá tải. Một giáo viên trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cho rằng, ngoài việc kỳ vọng cho con cái bằng chúng bạn, thì không ít trường hợp bắt con học Hè do chạy theo trào lưu xã hội. Và như vậy vô tình đặt lên vai con một gánh nặng.

Nhìn nhận xung quanh chuyện học Hè của HS hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, các chương trình đào tạo kỹ năng sống cũng có khía cạnh tích cực, dạy cho trẻ biết thế nào là yêu thương, bao dung… Tuy nhiên, sự phát triển của các dịch vụ giáo dục này cũng có nhiều hạn chế. Các chương trình đó không ai quản lý nên mỗi người tiếp thu, truyền đạt một kiểu. Còn bố mẹ chỉ nghe quảng cáo khóa học là sẵn sàng đầu tư tiền cho con học mà không biết chất lượng đến đâu. Cũng theo ông Lâm, không phải trẻ nào cũng có khả năng tiếp thu tất cả những gì được học, nên: “Bố mẹ phải nắm bắt được khả năng của con để đầu tư, cho con học đúng khả năng thì mới đạt hiệu quả. Đừng lấy mất khoảng thời gian được vui chơi, quyền mà chúng được hưởng”.
Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016

Ngày 28/5, Bộ LĐTB&XH và UBND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với sự tham dự của 300 thiếu nhi đại diện cho 26 triệu trẻ em cả nước. Với chủ đề: "Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em", Tháng hành động sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích (TN, TT) trẻ em, đảm bảo cho các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phòng, chống TN, TT trẻ em do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, rà soát, loại bỏ các nguy cơ gây TN, TT trẻ em tại gia đình, trường học và cộng đồng; cũng như dạy cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống TN, TT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm gây TN, TT trẻ em.  (Hồng Thủy)