KTĐT - Một dự án khá táo bạo để giải cứu ô nhiễm cho dòng sông Tô Lịch vừa được thành phố Hà Nội quyết tâm triển khai. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội.
Thưa ông, trước đây đã từng có ý tưởng dùng nước Hồ Tây thau rửa cho sông Tô Lịch nhưng đã bị phá sản. Mới đây thành phố Hà Nội vừa thống nhất chủ trương đưa nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch, liệu chủ trương này có trở thành hiện thực?
Sông Tô Lịch có nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hoá gắn bó với mảnh đất Thăng Long, nhưng qua quá trình phát triển của Hà Nội, dòng sông đã mất nguồn cấp nước đầu nguồn và hiện tại chỉ có nhiệm vụ thoát nước thải và nước mưa của các quận nội thành.
Do không có nguồn cấp nên vấn đề tự làm sạch của dòng sông bị hạn chế. Thêm nữa, nước sông bị ô nhiễm nặng với việc phải tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải/ngày, đêm. Nhiều chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần.
Ông Phạm Văn Khánh |
Vì thế, vấn đề tiếp nước cho dòng sông đã được thành phố khảo sát, nghiên cứu. Trước đây cũng đã có những dự án đề xuất lấy nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, nhưng dự án đó không có tính khả thi vì lượng nước của Hồ Tây không đáp ứng được cho dòng sông vào mùa khô. Hồ Tây có vị trí đặc biệt - là hồ điều hoà của thành phố vì thế lấy nước Hồ Tây cấp cho sông Tô Lịch sẽ mất chức năng điều hòa.
Thành phố đã thống nhất chủ trương và trình Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu để tiếp nước cho sông Tô Lịch từ sông Hồng tại công trình đầu mối Liên Mạc.
Theo phương án mà thành phố trình lên Thủ tướng Chính phủ thì nước sông Hồng được đổ về Tô Lịch theo con đường nào, độ dài đường dẫn ra sao?
Qua khảo sát cho thấy khu vực Liên Mạc có diện tích tương đối để làm các hồ điều hòa. Những hồ này sẽ dùng để chứa nước sông Hồng trước khi đổ vào sông Tô Lịch (cần có thời gian lắng phù sa). Vì vậy nước sông Hồng sẽ qua cụm công trình đầu mối sau đó qua trạm bơm Xuân Phương (Từ Liêm).
Điểm bổ cập nước phù hợp nhất cho sông Tô Lịch chính là điểm cống Nghĩa Đô (chảy dọc công viên Nghĩa Đô và đường Nguyễn Khánh Toàn). Lưu lượng của cống đảm bảo bổ cập nước là 5m3/s.
Với lượng nước được bổ cập như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch sẽ được giải quyết như thế nào?
14km sông phải gánh 200 cống thoát nước thải Lưu vực sông Tô Lịch có diện tích 77,5km2 bao gồm 8 tiểu lưu vực Hồ Tây, Tô Lịch, thượng lưu sông Lừ, hạ lưu sông Lừ, Sét, Kim Ngưu, Hoàng Liệt, Yên Sở. Toàn bộ chiều dài sông là 14,6km. Hiện toàn tuyến có 200 cửa xả lớn nhỏ, hầu hết là cống tròn đường kính từ 100mm đến 1.800mm đặc biệt có những cống hộp lớn 5.500x5.000mm. Điều đáng quan ngại là toàn tuyến sông chưa xây dựng hệ thống thu gom tách nước thải và nước mưa. |
Nếu bổ cập được lượng nước như vậy thì vào mùa khô có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sông Tô Lịch. Bước đầu, nước sông Hồng sẽ pha loãng nước sông Tô Lịch hiện có.
Với khối lượng nước bổ cập sẽ tạo thành dòng chảy của nước, dòng chảy của môi trường làm tăng hàm lượng ô xi của con sông dẫn đến khả năng tự làm sạch của con sông tốt lên. Điều này sẽ cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm hiện tại của sông Tô Lịch.
Thưa ông, lượng kinh phí cần để hiện thực hoá dự án này sẽ là bao nhiêu?
Hiện tại, chưa thể tính toán được là bao nhiêu và Bộ NN&PTNT đang trong quá trình khảo sát, chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư. Với cụm công trình đầu mối Liên Mạc, thành phố đang giao Sở NN&PTNT và Sở QHKT khảo sát để xác định hướng, tuyến lập dự án triển khai thực hiện.
Chúng ta phải làm song song và đồng bộ với thực hiện Quyết định 937 của Thủ tướng. Theo quyết định này thì lộ trình thực hiện các dự án là từ nay đến 2015, trong đó có vấn đề tiêu thoát nước sông Nhuệ.
Theo tôi, thành phố sẽ rất quyết tâm để triển khai sớm. Chúng tôi đang đề xuất phải triển khai khảo sát và xây dựng dự án xong trong năm 2010 và tiến hành đầu tư, xây dựng bắt đầu vào năm 2011.
Cảm ơn ông.