Nhiều trẻ mặc dù luôn là học sinh giỏi, luôn đứng đầu lớp, nhưng với bố mẹ thế vẫn là chưa đủ và xếp lịch học cho con kín hết các ngày trong tuần. Ngày học ở trường, chiều tối đi học thêm, ngày nghỉ đi học ngoại ngữ, nâng cao… Không ít trẻ hầu như không biết đến ngày nghỉ là gì, bởi thế cứ nghe đến đi học là lại thấy mệt, chán nản… Và điều đáng nói hơn cả, chính vì áp lực học hành ấy, nếu như trẻ không làm được điều bố mẹ mong muốn thì lập tức bị mắng mỏ, chì chiết… Cứ như vậy, vô tình họ đã tạo một gánh nặng rất lớn lên đôi vai bé bỏng và đó chính là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị stress và trầm cảm.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, sự khắt khe quá đáng của bố mẹ sẽ làm khô cứng ước mơ và sáng tạo của con trẻ. Trẻ học chỉ để đáp ứng kỳ vọng của người lớn. Khi không thực hiện được như mong muốn, trẻ cảm thấy nghi ngờ khả năng của mình, thấy có lỗi, mất tự tin… Do đó, bố mẹ hãy dạy con học bằng một thái độ tích cực, không nên quá ép buộc con phải đạt được một mức nhất định. Thay vào đó, nên thường xuyên khích lệ con bằng những lời khen hợp lý để trẻ thích thú hơn, chứ không phải là dùng những hành động chì chiết, đe dọa. Hơn nữa, bé cần được cha mẹ khuyến khích khi có ý thức học tập tốt. Đồng thời, bé cũng cần biết sự không hài lòng của cha mẹ nếu xao nhãng học hành. Khi dạy con học, phụ huynh cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ được động viên kịp thời và được trao niềm tin từ phía gia đình thường thành công hơn khi chinh phục các thử thách. Bởi kết quả của sự góp ý chân thành và tập trung mang lại cho trẻ sự tự tin, không sợ sai, dám dấn thân, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. Và khi trẻ được người lớn trao cho cơ hội thể hiện, trao cho niềm tin, tự chúng đã tích lũy được thêm sức mạnh để hoàn thành công việc được giao. Một tinh thần thoải mái cùng với sự tự tin và động lực như thôi thúc từ phía người lớn sẽ nuôi lớn ý chí phấn đấu vươn lên của trẻ, góp phần hoàn thiện một nhân cách, chứ không phải áp lực ở những mệnh đề "con phải…".