Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dừng xe gây cản trở giao thông: Khó xử lý vi phạm?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tai nạn giao thông (TNGT) là điều không ai muốn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với những người thiếu ý thức chấp hành quy tắc, luật giao thông thì nguy cơ xảy ra TNGT là rất cao.

Sự hồn nhiên chết người
Cuối tháng 2 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh một người phụ nữ chở theo 2 trẻ nhỏ dừng đỗ dưới lòng đường để nghe điện thoại và bị một chiếc xe ô tô đi từ phía sau đâm phải. Vụ va chạm mạnh đã khiến cả 3 người bị húc văng xuống đường. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc trên xuất phát từ sự chủ quan và cẩu thả của người phụ nữ điều khiển xe máy.
Trước đó, ngày 13/2, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một clip ghi lại cảnh một người phụ nữ hồn nhiên dừng xe máy dưới lòng đường, cách mép đường khoảng 1m để nghe điện thoại. Và do thiếu quan sát, bất ngờ, một người đàn ông điều khiển xe máy đi phía sau đã đâm phải và bất tỉnh tại chỗ.
 Người phụ nữ thản nhiên dừng nghe điện thoại trước đầu ô tô. Ảnh cắt từ clip
Thế nhưng, “thuốc đắng không giã được tật”, ngày 31/3 vừa qua, cư dân mạng lại xôn xao trước kiểu di chuyển không giống ai của hai cô gái. Theo clip này, khi 2 người phụ nữ trẻ chạy xe máy đến ngã tư thì chuyển hướng rẽ trái. Tuy nhiên, khi chiếc xe đang di chuyển đã bất ngờ dừng lại giữa đường khiến tài xế ô tô phía sau không kịp xử lý, đâm thẳng vào đuôi xe. Vụ va chạm khiến cô gái ngồi sau ngã nhào trên đường nhưng may mắn chỉ bị xây xát nhẹ.
Theo nhiều chuyên gia, với những hành vi chạy xe “hồn nhiên” hay dừng xe nghe điện thoại giữa đường như các trường hợp nêu trên, TNGT có thể đến bất cứ lúc nào. Quan trọng hơn, không ai có thể đảm bảo, những vụ tai nạn như vậy sẽ chỉ dừng lại ở những vết xây xát nhẹ, thiệt hại về phương tiện.
Quan trọng là ý thức
Theo nhiều chuyên gia, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm Giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật… sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.
Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi nói trên là không hề đơn giản. “Những hành vi này đều đến từ người điều khiển xe máy và được phản ánh thông qua hệ thống camera giám sát, camera hành trình… Do đó, việc xử lý tại chỗ hay phạt nguội gặp không ít khó khăn” – một chuyên gia chia sẻ.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT nhận định, đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm đối với chính người vi phạm cũng như toàn xã hội. Cũng theo lãnh đạo Đội CSGT số 4, để ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra, đơn vị đã bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, rất khó để phát hiện và xử lý được những hành vi vi phạm này. Bởi, những hành vi đó đôi khi chỉ diễn ra trong chốc lát, lực lượng chức năng khó có thể kịp thời phát hiện và xử lý được. Do đó, để ngăn chặn tình trạng trên, bảo vệ tính mạng của chính mình, sự an toàn của những người tham gia giao thông khác, sẽ không có cách nào hiệu quả bằng việc mỗi người dân phải nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông.