Giỏi một môn cũng có thể trúng tuyển
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, khi Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, những TS học giỏi một môn sẽ có nhiều cơ hội, vì Bộ không quy định các trường tổ chức tuyển sinh riêng bắt buộc thi theo từng khối. Có thể một số trường sẽ thi môn Toán và sau đó phỏng vấn, kiểm tra năng lực các môn khác. "Sẽ rất đa dạng các trường thi riêng để không bỏ sót những TS có năng lực phù hợp. TS sẽ thể hiện sở trường bằng phương pháp mà các trường đề ra. Điều quan trọng là TS chỉ giỏi một môn sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển" - ông Bùi Văn Ga khẳng định.
Khi các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh, ngoài tìm được TS phù hợp vào học ngành nghề mình đào tạo, còn có thêm nguồn tuyển từ những em học giỏi một môn. Chẳng hạn, có em tài diễn thuyết, nhưng không môn thi nào thể hiện khả năng ấy thì với cách kiểm tra năng lực lại trúng tuyển. Như thế, với phương thức tuyển sinh riêng những TS dưới sàn vẫn có thể trúng tuyển.
Cùng quan điểm, ông Mai Văn Chinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thông tin thêm, năm nay cơ hội để TS được vào các trường ĐH, CĐ lớn hơn mùa tuyển sinh trước. Vì chúng ta vẫn duy trì kỳ thi ba chung gồm 2 đợt thi ĐH, ngoài ra những trường tổ chức thi riêng có tối đa 2 lần tuyển sinh trong một năm.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo lắng trước việc không thi tuyển sinh đầu vào theo khối có thể dẫn đến tình trạng có những lớp 10 chỉ dạy mỗi môn Toán hay Hóa… Song ông Ga bác bỏ điều này, bởi cách thi riêng và kiểm tra kiến thức toàn diện yêu cầu TS phải có kiến thức tổng hợp, nên không thể học "lệch".
Đề thi vẫn theo chương trình phổ thông
Với việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự tổ chức xét tuyển, nhiều TS lo lắng không biết có nằm trong chỉ tiêu vào trường ĐH mong muốn. Hay trường tuyển sinh riêng thi tự luận nhiều sẽ gây khó khăn cho TS vì các em chủ yếu ôn thi trắc nghiệm. Về việc này, ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH trấn an: Hình thức thi vẫn phải dựa vào chương trình lớp 12 và các ngành nghề đào tạo của nhà trường. Việc xác định chỉ tiêu của nhà trường không phụ thuộc vào tuyển sinh riêng hay chung, mà dựa vào năng lực đào tạo và tiêu chí đảm bảo chất lượng của nhà trường. "Trong 3 năm tới, để giúp các trường trong quá trình chuyển đổi, Bộ vẫn tổ chức tuyển sinh chung" - ông Bùi Anh Tuấn cho biết.
Giải đáp lo lắng về đề thi riêng có thể khó - dễ tùy trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, sau kết thúc kỳ thi 3 chung, các trường sẽ tự làm đề. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT không đồng tình với ý kiến cho rằng, Bộ cho phép các trường tuyển sinh riêng trong khi vẫn duy trì kỳ thi "ba chung" là để "cứu" các trường ngoài công lập. Bởi để có được lượng TS đông đảo, dù theo phương thức tuyển sinh nào, điều quan trọng nhất đối với các trường là nâng cao chất lượng đào tạo. Thứ trưởng hy vọng với việc tuyển sinh riêng, những trường khó tuyển sinh xác định được phương thức riêng để chọn được TS có năng lực đầu vào phù hợp, sau đó có phương pháp đào tạo phát huy năng lực của TS. Đó là cách các trường cải thiện hình ảnh và cũng là cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng.
Các thí sinh tranh thủ ôn luyện trước giờ thi tại điểm trường Đại học Hà Nội năm 2013. Ảnh: Nguyễn Thành
|