Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường dài khó đi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được gọi là hiệp định của thế kỷ XXI, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn thành thỏa thuận khung hôm 5/10/2015 hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư của 12 nước thành viên tham gia. Tuy nhiên, để thỏa thuận có hiệu lực, TPP vẫn phải vượt qua được con đường dài với nhiều chông gai.

Cuộc chiến chính trị mới

Theo quy định, để các điều khoản của TPP có hiệu lực, thỏa thuận này phải được Quốc hội của 6 thành viên chiếm 85% GDP toàn khối thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc, Quốc hội Mỹ và Nhật Bản – hai nền kinh tế chiếm tới 78% GDP của khối phải thông qua thỏa thuận này. Điều kiện này khiến nhiều chuyên gia lo ngại cho số phận của TPP, bởi các nhà làm luật tại hai quốc gia này dường như đã sẵn sàng cho một cuộc chiến chính trị mới để trì hoãn thỏa thuận.

 
 Thủ tướng Canada Harper đang đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc bầu cử tuần tới sau khi TPP thông qua thỏa thuận khung.
Thủ tướng Canada Harper đang đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc bầu cử tuần tới sau khi TPP thông qua thỏa thuận khung.
Tại Mỹ, đi ngược lại mong muốn thúc đẩy TPP như một di sản cuối cùng trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, ứng viên cho cuộc bầu cử 2016 mà ông cam kết ủng hộ là bà Hilary Clinton tuyên bố sẽ ủng hộ các nghị sĩ cùng đảng chống TPP. Bất chấp việc TPP khi có hiệu lực sẽ gỡ bỏ khoảng 18.000 loại thuế quan cho hàng hóa Mỹ khi tiếp cận thị trường đầy tiềm năng tại khu vực Thái Bình Dương, ông Obama đang chịu áp lực lớn từ trong và ngoài đảng. Việc thuyết phục được các nghị sĩ đảng Dân chủ hậu thuẫn cho tiến trình đưa dự luật về TPP ra tranh luận và bỏ phiếu tại hai viện Quốc hội sẽ là một nhiệm vụ nặng nề của ông chủ nhà trắng.

Ngay cả khi đã phải rất vất vả mới kiếm được “vũ khí bí mật” là quyền đàm phán nhanh (TPA), ông Obama đang phải chịu áp lực rất lớn về thời gian. Theo TPA, Tổng thống Obama phải đợi 90 ngày sau khi đàm phán xong TPP mới có thể ký vào thỏa thuận và gửi lên Quốc hội để bỏ phiếu thông qua. Trong khoảng thời gian đó, văn kiện thỏa thuận phải được công khai trong vòng ít nhất 60 ngày giữa lúc chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 đã chuẩn bị áp đảo các chương trình nghị sự.

Sức ép về thời gian cũng đang đè nặng Thủ tướng Canada Stephen Harper và đảng cầm quyền khi kết quả của cuộc tổng tuyển cử vào ngày 19/10 tới có thể đảo lộn kế hoạch thông qua thỏa thuận. Diễn biến này một lần nữa làm tăng áp lực lên Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và chiếm tới 18% GDP của khối. Dù các hãng xe sản xuất linh kiện ô tô là những người thắng cuộc lớn nhất trong cuộc chơi này, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn đang phải đối mặt với một nguy cơ bùng phát cuộc chiến với các nhà lập pháp muốn bảo hộ cho các sản phẩm trong nước, nhất là nông nghiệp vào kỳ họp tháng 1/2016.

Quyết tâm tháo gỡ

TPP với tư cách là một thỏa thuận lịch sử không chỉ tác động đến kinh tế mà còn đóng vai trò trung tâm trong chiến lược ngoại giao kinh tế của tất cả các nước tham gia. Vì thế, giới chức của 12 nước thành viên đều thể hiện quyết tâm đương đầu và cởi gỡ từng nút thắt trên chính trường trong nước, giống như những gì họ đã làm được sau 5 năm đàm phán căng thẳng với các đối tác.

Là trọng tâm trong chiến lược xoay trục sang châu Á, là “bức tường thành” tiềm năng giúp Washington đối phó với những ảnh hưởng của Trung Quốc và củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản, hơn lúc nào hết Tổng thống Obama hiểu rõ tầm quan trọng của việc có được sự phê chuẩn TPP từ Quốc hội. Trong một nỗ lực nhằm thúc thúc đẩy Quốc hội thông qua TPP, Phòng Thương mại Mỹ đã thành lập một bộ phận đặc biệt gồm những chuyên gia tài năng nhất có nhiệm vụ vận động hành lang, thuyết phục các tập đoàn, đại cử tri, nghị sĩ.

Tại Nhật Bản, với lợi thế đang nắm quyền kiểm soát Quốc hội, đảng cầm quyền của Thủ tướng Abe có thể thuyết phục các nghị sĩ đối lập bằng những lợi ích mà TPP mang lại cho nền kinh tế vốn đang phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu. Trong kịch bản khác, nếu Quốc hội Canada được hình thành sau cuộc bầu cử không thông qua TPP, “lá phiếu” của nền kinh tế đang chiếm khoảng 7% GDP của khối có thể được thay thế bằng sự đồng thuận tại Australia và Mexico (2 nước chiếm 10% GDP của khối) để vượt ngưỡng 85% cần thiết giúp thỏa thuận này có hiệu lực.  

Bảy thập kỷ sau Thế chiến thứ II, thế giới đang đứng ở “ngã tư đường” với không ít trở ngại, cuộc họp tại Atlanta cuối tuần qua cho thấy sự cấp bách của việc phải hình thành một thị trường kinh tế chung để thúc đẩy tự do thương mại và kích thích tăng trưởng. Vì thế, việc TPP có hiệu lực sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, bởi tất cả các nước đều hiểu rằng, hội nhập là con đường tất yếu, nhất là hội nhập về kinh tế.