Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường nào nối Bình Nhưỡng và Washington?

Lan Hương (Theo New York Times)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tờ New York Times tiết lộ, ông Schulze, một doanh nhân ở Singapore, là viên gạch đầu tiên nối Bình Nhưỡng và Washington.

Con đường dẫn đến hội nghị thượng đỉnh này bao gồm nhiều cuộc họp mật giữa các điệp viên, các cuộc thảo luận giữa các doanh nghiệp và vai trò không được nhắc tới của Kushner, theo các cuộc phỏng vấn của New York Times với giới chức Mỹ và các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán.
Mùa hè năm ngoái, một nhà tài chính Mỹ đã tiếp cận chính quyền Tổng thống Trump với một đề xuất bất ngờ: chính phủ Triều Tiên muốn đối thoại với Jared Kushner, con rể Tổng thống Trump và cũng là cố vấn cao cấp.
 Doanh nhân Schulze (trái).
Nhà tài chính Gabriel Schulze giải thích, quan chức hàng đầu Triều Tiên đang tìm kiếm kênh giao tiếp “cửa sau” để tìm hiểu về khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Với một số người ở Triều Tiên, quốc gia được điều hành bởi các lãnh đạo thuộc gia tộc họ Kim, Kushner dường như là một liên hệ đầy hứa hẹn. Là một thành viên gia đình Tổng thống, Kushner sẽ có mối thân thiết với Tổng thống và nằm ngoài các xáo trộn nhân sự trong chính quyền.
 Kushner, con rể Tổng thống Trump, cũng là cố vấn cao cấp của Nhà Trắng.
Việc kết nối bí mật của ông Schulze là một trong những bước dẫn đến cú bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tuần trước.
Đối với ông Schulze sự tan băng trong mối quan hệ của Mỹ với Bắc Triều Tiên sẽ có khả năng sinh lợi. Công ty của ông, SGI Frontier Capital, chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi như Ethiopia, Mông Cổ…
Ông đã thực hiện một số giao dịch nhỏ ở Triều Tiên trước khi chính quyền Tổng thống Obama áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới trong năm 2016.
Các kết nối ban đầu của ông Schulze -  người đã gặp các thành viên gia đình ông Trump vài năm trước khi họ tìm kiếm các hợp đồng kinh doanh tại châu Á - xuất hiện trong thời điểm chính quyền Tổng thống Trump có sự chia rẽ sâu sắc về cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng với một số quan chức thậm chí còn ủng hộ một cuộc tấn công quân sự.
Ngoài vai trò quan trọng của ông Schulze, còn phải kể đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã liên lạc không mệt mỏi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Nhưng những người nắm rõ các cuộc đàm phán cho biết, liên lạc ban đầu của ông Schulze rất hiệu quả trong việc đặt ra động lực ngoại giao đến Singapore.
 Cú bắt tay lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bằng cách tiếp cận với Kushner, Triều Tiên đang đi theo mô hình của Trung Quốc, quốc gia trước đó từng xác định con rể Tổng thống Trump là một kết nối tốt, một người có thể dẫn đường đến với Tổng thống Mỹ và cho phép vượt qua bộ máy quan liêu của Bộ Ngoại giao.
Ông Kushner không đóng một vai trò trực tiếp trong các cuộc đàm phán kênh sau với các quan chức Triều Tiên, theo nguồn tin. Thay vào đó, Kushner thông báo cho Mike Pompeo, Giám đốc CIA vào thời điểm đó, về sự tiếp cận của ông Schulze và yêu cầu CIA chịu trách nhiệm về các cuộc thảo luận.
Hiện chưa rõ tại sao ông Kushner nghĩ rằng CIA đảm nhiệm việc này, thay vì Bộ Ngoại giao.
 Cố vấn Kim Yong Chol và Ngoại trưởng Mỹ Pomeo. Cả 2 đều là cựu sếp tình báo.
Trên thực tế, ông Pompeo sau đó đã khám phá các mối liên hệ với các quan chức tình báo Triều Tiên. Ông đã thực hiện 2 chuyến đi đến Bình Nhưỡng trong năm nay. Ông Pompeo đã liên lạc với Kim Yong-chol, cựu Giám đốc cơ quan tình báo và là cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong những cuộc thảo luận đó, ông Pompeo đã dựa vào Andrew Kim, một nhân viên CIA Mỹ gốc Hàn Quốc phụ trách các hoạt động bí mật và phân tích về Triều Tiên. Andrew Kim đã ở bên ông Pompeo khi ông tới Bình Nhưỡng.
Đường dây liên lạc gồm các quan chức tình báo này còn bao gồm Giám đốc Sở Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon, và cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong, những người đã đến Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong-un. Tại cuộc họp đó, ông Kim đã gửi lời mời dự hội nghị thượng đỉnh với ông Trump, và các quan chức an ninh Hàn Quốc đã chuyển lời đến tổng thống Mỹ vài ngày sau đó.
Cầu nối đầu tiên là một doanh nhân với kinh nghiệm từng làm ăn kinh tế tại Triều Tiên, mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như là một đề xuất kinh doanh hơn là ngoại giao.
Ở Singapore tuần trước, ông Trump đã cho ông Kim xem bộ phim dài 4 phút mà chính phủ Mỹ đã làm, miêu tả một tương lai phát triển mạnh mẽ, hiện đại cho Triều Tiên, nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình.
Ông Trump say mê về những bãi biển bình dị của Triều Tiên, mà ông nói rằng ông có thể thấy trước được hàng loạt khách sạn sang trọng và chung cư cao tầng sẽ mọc lên. “Hãy nghĩ từ góc độ bất động sản,” ông Trump nói.