Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Đường sắt đô thị - bộ khung định hình lại giao thông Hà Nội] Bài 4: Cần cơ chế đặc thù cho đường sắt đô thị

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua quá trình đầu tư xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A và số 3 có thể thấy, còn quá nhiều khó khăn vướng mắc với loại hình dự án này. Nếu không có cơ chế khác biệt, mạnh mẽ, việc hình thành mạng lưới ĐSĐT Thủ đô sẽ còn chật vật rất lâu.

Làm tốt khâu chuẩn bị

Các dự án ĐSĐT đang gặp ba khó khăn chính: Quy định theo luật trong nước còn thiếu, hổng, chưa tương thích với một số thông lệ quốc tế; khâu GPMB quá nhiều vướng mắc; việc thay đổi quy định, trượt giá nguyên vật liệu theo thời gian khiến các dự án bị động, phát sinh nhiều bất cập.

Ví dụ, tại dự án ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, do sử dụng nguồn vốn ODA, phải tuân thủ lựa chọn về nhà thầu, điều khoản hợp đồng, cũng như công nghệ của bên tài trợ vốn. Một số vấn đề hiện trong nước chưa có quy định cụ thể, dẫn đến việc thông qua, phê duyệt, bổ sung rất vướng mắc. Muốn đảm bảo tiến độ, cần phải cho các dự án ĐSĐT cơ chế đặc thù trên cơ sở tuân thủ thông lệ quốc tế.

Mặt khác một số quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy tại thời điểm phê duyệt dự án không còn phù hợp với quy định mới hiện nay. Trong khi đó, một số hạng mục công trình đã được xây dựng xong, không đáp ứng tiêu chuẩn mới dẫn đến không nghiệm thu được.

Hay như việc chậm trễ GPMB khiến dự án chậm tiến độ, trượt giá nguyên vật liệu, điều chỉnh các giai đoạn xây dựng, đưa vào vận hành cũng có thể làm phát sinh chi phí. Muốn được phê duyệt, chủ đầu tư lại phải hoàn thiện một quy trình thủ tục khá phức tạp, nặng nề.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với các dự án lớn, thời gian xây dựng kéo dài cần cho phép áp dụng nhất quán các quy định tại thời điểm phê duyệt dự án, giảm thiểu vướng mắc do thay đổi cơ chế, chính sách.
 Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Võ Hải
Điều quan trọng nhất với mỗi dự án ĐSĐT là phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu nghiên cứu, lập dự án cho đến thực hiện, thi công. Trước hết, cần xem xét toàn diện các vấn đề pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cần áp dụng cho mỗi dự án. Quá trình thương thảo hợp đồng với các nhà tài trợ, nhà thầu cần làm kỹ, chặt chẽ để tránh những bất cập giữa pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế.

Vấn đề thứ hai cần đặc biệt quan tâm là khâu GPMB. Cần tách riêng GPMB ra khỏi các dự án đầu tư xây dựng ĐSĐT. Chỉ bắt đầu thực hiện dự án khi địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để tránh hàng loạt hệ lụy do cướng mắc GPMB gây ra như chậm tiến độ, đội vốn…

Một nguồn lực khác cần chuẩn bị thật tốt trước khi bắt tay vào thực hiện các dự án ĐSĐT là nguồn nhân lực trình độ cao, có kinh nghiệm cũng như nhiệt huyết với loại hình dự án cực kỳ phức tạp này. Về lâu dài, Hà Nội cũng như các đô thị trên cả nước cần có kế hoạch đào tạo bài bản, căn cơ nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án ĐSĐT. Đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều, tuy nhiên cần bắt tay vào làm ngay để trong tương lai chúng ta có thể dần dần tự đảm nhiệm, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào đội ngũ chuyên gia quốc tế. Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Tăng cường hiệu quả phối hợp

Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng trong khi các dự án ĐSĐT đụng đâu vướng đó, công tác phối hợp giữa các địa phương, đơn vị liên quan vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đơn cử như vấn đề GPMB, nhiều địa phương để phát sinh tái lấn chiếm hoặc sai phạm trong quá trình chờ dự án thi công dù đã có mốc chỉ giới. Thậm chí có nơi mất cả mốc chỉ giới đường đỏ xác định phạm vi công trình ĐSĐT, khi thi công phải tìm kiếm, cắm lại, mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Vừa qua Bộ KH&ĐT cũng đã chỉ ra vấn đề tại dự án ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Với những vướng mắc liên quan đến dự án này, các bộ, ngành đã có nhiều ý kiến góp ý với UBND TP Hà Nội để tháo gỡ. Song, các ý kiến góp ý chủ yếu dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, chưa đưa ra phương án cụ thể, khả thi để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện và giải ngân dự án. Do vậy, để sớm giải quyết những vướng mắc của dự án, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần có sự phân công cơ quan chuyên môn cụ thể chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra giải pháp đối với vấn đề thuộc thẩm quyền.

Thực tế cho thấy, điều đặc biệt quan trọng đối với mỗi dự án hạ tầng lớn, trong đó có ĐSĐT là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo TP, bộ, ngành T.Ư cũng như địa phương. Với các dự án ĐSĐT của Hà Nội, Chủ đầu tư chính là TP, Ban Quản lý ĐSĐT chỉ là người đại diện, không đủ thẩm quyền để quyết định hoặc đôn đốc nhiều vấn đề. Có sự dẫn dắt, hậu thuẫn của lãnh đạo TP, các dự án sẽ nhanh chóng tháo gỡ được mọi khó khăn phát sinh trong quá trình thi công, xây dựng.

Đối với chủ đầu tư các dự án ĐSĐT, ngoài việc nỗ lực hết sức đối với các dự án còn cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để giành lấy sự ủng hộ của người dân. Nhiều vấn đề như GPMB, tổ chức giao thông khi rào chắn công trường trên các tuyến đường phố… nếu không có sự ủng hộ của người dân sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ, bất cập không nhỏ.

Theo Quy hoạch GTVT thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Nội sẽ có 10 tuyến ĐSĐT. Nếu tính cả dự án tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, TP mới đi được 1/5 hành trình đến mục tiêu đó. Trong bối cảnh nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, chính quyền, Nhân dân TP cần dốc sức cùng nhau, bền bỉ, kiên trì đầu tư, xây dựng mạng lưới ĐSĐT; bởi đây chính là cứu cánh cho giao thông đô thị Hà Nội.q

Sự ủng hộ của Nhân dân Hà Nội là một trong những điều kiện quan trọng, quyết định đối với mỗi dự án. ĐSĐT là tương lai của vận tải công cộng, là xương sống của hệ thống giao thông đô thị. Ủng hộ các dự án ĐSĐT là hành động thiết thực vì một Hà Nội văn minh, hiện đại, đáng sống trong hiện tại và cả tương lai.