Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường trọng điểm… mất điểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”, ngay từ đầu năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội đã đăng ký tuyến đường trọng điểm đảm bảo an ninh trật tự, ATGT và mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, một năm thực hiện đã qua nhưng tuyến đường Phan Trọng Tuệ được 5 xã, thị trấn đăng ký tuyến đường trọng điểm vẫn nằm trong tình trạng nhếch nhác, phản cảm.

Tuyến đường mất mỹ quan

Năm 2014, UBND huyện Thanh Trì giao cho các xã, thị trấn trong huyện đăng ký 4 tuyến đường trọng điểm kiểu mẫu làm điểm nhấn cho việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, gồm đường Thanh Liệt - Kim Giang, đường Phan Trọng Tuệ, đường Ngọc Hồi - Văn Điển và đường Đông Mỹ - Ngũ Hiệp. Tuy nhiên, đến nay, đường Phan Trọng Tuệ với 7km đi qua 5 xã, thị trấn: Tân Triều, Thanh Liệt, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh và Văn Điển vẫn nhếch nhác, phản cảm bởi toàn bộ vỉa hè hai bên đường thường xuyên bị người dân chiếm dụng để bày hàng hóa và biển quảng cáo.

 
Nhiều hộ kinh doanh tại xã Thanh Liệt để biển quảng cáo chiếm dụng vỉa hè.
Nhiều hộ kinh doanh tại xã Thanh Liệt để biển quảng cáo chiếm dụng vỉa hè.
 Thể hiện rõ nhất bắt đầu từ việc các tiểu thương bán hàng rong chiếm dụng vỉa hè trước cổng Bệnh viện K và khu vực cầu Bươu nằm trên địa bàn xã Tân Triều suốt từ sáng đến tối. Cách đó khoảng 200m, ông Trần Văn Tùng và ông Nguyễn Hữu Sinh chiếm dụng gần 400m² vỉa hè làm điểm tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng (VLXD). Vào những ngày hanh khô, mỗi khi có gió, cát bay tứ tung gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Do các chủ cửa hàng VLXD thường xuyên sử dụng xe 3 bánh tự chế, xe công nông chở VLXD hoạt động vào giờ cao điểm nên thường xuyên gây UTGT. Giáp ranh với xã Tân Triều là gần 3km vỉa hè của xã Tả Thanh Oai và xã Thanh Liệt. Tình trạng chiếm dụng vỉa hè để sửa chữa xe máy, bày bán các loại hàng hóa và để biển quảng cáo cũng diễn ra tràn lan, nhất là ở lối trước cửa ra vào khu chung cư Đại Thanh.

 Qua tìm hiểu được biết, từ những năm 1990, công tác quản lý đất đai của huyện Thanh Trì còn lỏng lẻo nên nhiều hộ ở ven đường Phan Trọng Tuệ đã lấn chiếm, cơi nới xây nhà tạm, khiến nhiều đoạn vỉa hè bị thu hẹp chỉ còn 2 - 3m. Với hàng trăm trường hợp vi phạm lấn chiếm đất vỉa hè, đất công ven đường Phan Trọng Tuệ nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đến nay, một số tòa nhà cao tầng của khu chung cư Đại Thanh được đưa vào sử dụng, dân cư tăng khiến vỉa hè, lòng đường không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, do UBND huyện Thanh Trì không đầu tư quy hoạch, lát gạch, chỉnh trang vỉa hè hai bên đường Phan Trọng Tuệ nên việc đi lại càng khó khăn hơn.

Thiếu sự phối hợp

 Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt Nguyễn Văn Phong cho rằng, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động 56 hộ kinh doanh ven đường Phan Trọng Tuệ nhằm thay đổi nhận thức. Bên cạnh đó, hàng tháng, UBND xã tổ chức lực lượng 2 lần ra quân xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè gây cản trở cho người đi bộ. Có trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè bị thu giữ hàng hóa, biển quảng cáo nhiều lần, nhưng vì lợi nhuận nên vẫn tái phạm. “Do các xã, thị trấn có đường Phan Trọng Tuệ đi qua không thống nhất được thời gian ra quân tuyên truyền, xử lý vi phạm nên chưa tạo được sự chuyển biến trong ý thức của người dân. Để đường Phan Trọng Tuệ đạt tiêu chí tuyến đường trọng điểm thì việc UBND huyện bố trí lực lượng chức năng phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên ra quân xử lý vi phạm là rất cần thiết. Có làm được như vậy, vỉa hè đường Phan Trọng Tuệ mới thông thoáng, sạch, đẹp” - ông Phong nói.

 Bao biện việc các hộ kinh doanh tái lấn chiếm vỉa hè hai bên đường Phan Trọng Tuệ, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Nguyễn Tiến Hưng cho biết: “Hàng tháng, UBND xã vẫn ra quân thu giữ hàng hóa, biển hiệu của các hộ kinh doanh cố ý chiếm dụng vỉa hè đường Phan Trọng Tuệ. Nhưng do địa bàn rộng, dân số lại đông và hiện có đến hơn 200 hộ đang buôn bán, kinh doanh ven đường Phan Trọng Tuệ. Bên cạnh đó, do… trụ sở UBND xã nằm cách xa đường Phan Trọng Tuệ gần 3km nên việc xử lý dứt điểm vi phạm là rất khó (!). Mặt khác, UBND xã không có ngân sách hỗ trợ cho lực lượng chức năng ứng trực thường xuyên xử lý vi phạm nên từ đầu năm 2014, khi chung cư Đại Thanh được đưa vào sử dụng, dân số của xã tăng từ 16.000 lên 40.000 nhân khẩu thì tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè bày bán hàng hóa tại đường Phan Trọng Tuệ lại càng diễn ra phức tạp hơn”.

 Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn thừa nhận, đường Phan Trọng Tuệ là một trong 4 tuyến đường được các xã, thị trấn đăng ký làm tuyến đường trọng điểm kiểu mẫu, nhưng tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và không an toàn cho người tham gia giao thông như phản ánh là đúng. Tuy nhiên, ông Toàn đẩy trách nhiệm: “Do các xã, thị trấn đã đăng ký tuyến đường trọng điểm cho chủ đề “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014” nên để xảy ra tình trạng vỉa hè nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ sở. Cụ thể, tình trạng vi phạm đã được lãnh đạo UBND huyện nhắc nhở chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong các cuộc họp giao ban hàng tháng”.