Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ế ẩm chợ ngày nghỉ lễ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng khách giảm, nhiều tiểu thương cho biết doanh thu không bằng một nửa của ngày thường.

Khảo sát của báo giới tại các chợ TP Hồ Chí Minh như Thái Bình (quận I), Bà Chiểu, Thị Nghè, Văn Thánh (Bình Thạnh), Thủ Đức... khá thưa khách. Nhiều sạp chỉ nhộn nhịp hơn một tiếng buổi sáng, có tiểu thương thay vì bán tới 12h thì nay chỉ mới 10h đã chuẩn bị dọn hàng về.

 
Dù sức mua giảm nhưng nhiều mặt hàng rau củ vẫn tăng giá dịp lễ. Ảnh: Hồng Châu
Dù sức mua giảm nhưng nhiều mặt hàng rau củ vẫn tăng giá dịp lễ. Ảnh: Hồng Châu
Cô Hoa, chuyên bán rau tại chợ Văn Thánh cho biết, nghỉ lễ kéo dài, người thành phố đi chơi xa, công nhân, sinh viên thì về quê nên hàng hóa ế ẩm. Thay vì một ngày bán cả triệu tiền rau thì nay cả buổi sáng, cô cũng chỉ bán được vài trăm nghìn. 

“Ngày xưa cứ mong lễ là để bán hàng vì mọi người tụ họp nhưng nay thấy lễ là sợ vì dù có bán cả ngày doanh thu cũng không nổi một nửa bình thường”, cô Hoa than thở.

Không chỉ cô Hoa, mà chị Lan, tiểu thương bán thịt ở chợ Thị Nghè cũng cho biết, ngày thường dù vắng khách lẻ, chị vẫn có doanh thu cao vì đổ hàng cho các bếp ăn công nghiệp, trường học. Nhưng nay, nghỉ lễ các đơn vị đầu mối trên ngưng lấy hàng khiến doanh thu chỉ bằng 1/10 ngày thường.

“Thay vì ngồi cả ngày ở chợ thì tôi sẽ ngưng bán buổi chiều. Riêng mùng 2/9 chắc chỉ lấy vài chục kg thịt để bán cho khách lẻ chứ không dám lấy nhiều”, chị Lan nói.

Còn anh Hải, bán rau tại chợ Phường 25 thì than thở, ngồi cả buổi sáng 1/9 nhưng sạp rau của anh vẫn ngồn ngộn. Do vậy, anh đành giải quyết chỗ rau ăn lá bằng cách bán rẻ như cho. Riêng các loại khác là củ quả thì cố vẩy nước cho tươi để hôm sau bán tiếp.

Ngoài thực phẩm, các cửa hàng mỹ phẩm, quần áo tại chợ TP HCM cũng chả mấy khách lựa. Chị Linh, tiểu thương ở chợ Bàn Cờ cho biết, nếu từ sáng tới chiều, tình hình bán hàng không có biến chuyển gì có lẽ ngày 2/9 chị cũng nghỉ lễ như nhân viên văn phòng, đến ngày 3/9 mới mở cửa trở lại.

Mặc dù sức mua ở chợ chậm nhưng theo khảo sát, giá một số mặt hàng thực phẩm tiêu dùng vẫn tăng khá mạnh. Cà chua và đậu bắp là mặt hàng tăng mạnh nhất từ 5.000-7.000 đồng. Các loại rau ăn lá còn lại chỉ tăng 2.000-3.000 đồng một kg.

Tại chợ Văn Thánh đậu bắp từ 20.000 đồng tăng lên 25.000 đồng một kg, cà chua đắt thêm 7.000 đồng lên 17.000 đồng một kg. Riêng gà thả vườn giá 100.000-110.000 đồng một kg, cá điêu hồng 48.000-50.000 đồng một kg, mực ống 120.000-140.000 đồng một kg… 

Giải thích cho nguyên nhân tăng giá, nhiều tiểu thương cho biết do thời tiết mưa kéo dài, các ruộng rau ở ngoại thành phố bị ngập úng. Lượng cung hàng hóa giảm khiến giá tăng cao. Mặt khác, một số loại rau củ đứt lứa, cước vận tải tăng cũng là lý do khiến mặt hàng này liên tục lên giá.