KTĐT - Ở Trung Quốc, các ông chủ tư nhân còn dè chừng khi công bố tài sản của mình. Họ tự hào, rất tự hào về những gì đạt được.
Người Mỹ có vẻ quan tâm tới sự giàu sang đầu tiên và nỗi ám ảnh này đang lan sang các nước, thậm chí tới cả Trung Quốc nơi vốn e dè với chuyện khoe của cải.
Carlos Slim là người giàu nhất trong danh sách tỷ phú thế giới 2011 của Forbes, với số tài sản 74 tỷ USD. Ảnh: AFP |
Danh sách mới của tạp chí Forbes cho thấy có hơn 1.200 tỷ phú trên toàn cầu. Nga và Trung Quốc mỗi nước đều có hơn 100 tỷ phú, con số mà trước đây chỉ có Mỹ mới đạt được. Và câu hỏi đặt ra là liệu sự ám ảnh của phương Tây về xếp hạng mức độ giàu sang có lan sang các vùng khác.
Người Mỹ có vẻ quan tâm tới sự giàu sang trước tiên. Các báo Mỹ lập ra danh sách người giàu từ cách đây 90 năm, hoặc lâu hơn thế. Nhưng sự ám ảnh với danh sách nhà giàu tăng mạnh vào năm 1982 nhờ tạp chí Forbes.
Tạp chí Forbes được ông BC Forbes, một di dân người Scotland nghèo khó lập ra vào năm 1917. Ông Forbes bị ám ảnh bởi sự thành công trong kinh doanh, sự thành công được đánh giá bằng giá trị thực, tức tài sản các nhân của một người trừ đi các khoản vay nợ.
Con trai BC Forbes, ông Malcolm, cũng thấy rằng nhiều người muốn biết những người khác giàu tới mức nào. Có thể cả những người giàu cũng muốn biết. Vậy là các thám tử gia đình nhà Forbes xâu chuỗi các bằng chứng và đưa ra con số. Sau đó họ lập ra bảng xếp hạng Forbes 400.
Đây rõ ràng là sự đáp lại với danh sách các công ty hàng đầu của Mỹ, Fortune 500, do tạp chí Fortune lập ra từ 1955. Dù có chính xác hay không, danh sách Forbes 400 những người giàu nhất vẫn trụ lại với thời gian.
Các ấn phẩm khác nhau thường mang lại các kết quả khác nhau và nó cho thấy lập danh sách những người giàu gần với nghệ thuật hơn là khoa học (cũng giống như kiểm toán và kế toán). Nhưng sự khác biệt lớn có vẻ không làm giảm mức độ quan tâm của độc giả.
Hầu hết các nước giờ đều có ít nhất một danh sách người giàu trong khi độc giả thích nghĩ về sự giàu sang. Có lẽ họ cũng thầm hỏi "Liệu những người giàu có xinh không? Họ có hạnh phúc không? Họ phải hy sinh những gì để có trong danh sách?"
Còn những người giàu cũng đã mất hết vẻ dè dặt nếu họ từng có tính như vậy, bởi tài sản có ý nghĩa gì nếu không đem khoe được? Doanh số hàng xa xỉ bùng nổ khắp thế giới với đồng hồ đắt tiền mà người ta có thể đem khoe người khác mỗi khi muốn xem giờ.
Ông Rupert Hoogewerf - người lập ra danh sách giàu nhất Trung Quốc (Hurun Report). |
Ở Trung Quốc, các ông chủ tư nhân còn dè chừng khi công bố tài sản của mình. Họ tự hào, rất tự hào về những gì đạt được. Nhưng tại một nước như Trung Quốc, họ không dám chắc việc khoe tài sản sẽ không kéo theo sự chú ý của chính quyền.
Nhưng ông Rupert Hoogewerf đã mang khái niệm so sánh độ giàu sang tới Trung Quốc. Rupert Hoogewerf là một người Anh với tên Hà Lan. Ông là kế toán viên chuyên nghiệp với bằng ngôn ngữ tiếng Hoa và tiếng Nhật.
Ông đã công bố danh sách người giàu Trung Quốc do ông tự ước tính vào năm 1999, danh sách mà trong tiếng Hoa được chuyển ngữ thành danh sách Hurun. Từ danh sách đầu tiên đó, công việc kinh doanh của ông Hoogewerf đã biến thành một đế chế xuất bản mang tên Hurun Report với nhiều danh sách và tạp chí ở Trung Quốc.
Cũng giống như những gì BC Forbes đã làm, lập ra một tạp chí và dùng nó để kiếm chút tài sản nhỏ từ những tài sản siêu lớn của những người khác thực ra là ý tưởng khá hay.