KTĐT - Trong bối cảnh một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố số liệu cho thấy lạm phát đều đã vượt trần quy định của khối, các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 21/2 đã cảnh báo mới về tình hình lạm phát trong Khu vực đồng Euro (Eurozone).
Ông Juergen Stark, quan chức ECB nhận định về trung hạn, nguy cơ lạm phát giá trong Eurozone là rất lớn do kinh tế khu vực tiếp tục phục hồi mạnh làm gia tăng sức ép đối với hàng hoá. Theo ông, ECB cần tiếp tục điều chỉnh chính sách cho phù hợp với diễn biến kinh tế mới trên thế giới, kể cả ban hành những chính sách mạnh tay nhất. Thành viên Ban Giám đốc ECB Lorenzo Bini Smaghi thì nhấn mạnh, các nền kinh tế khu vực cần phải làm quen với tình trạng giá lương thực và năng lượng cao,đặc biệt khi sức ép đối với giá nông sản, nhiên liệu đầu vào sẽ duy trì một thời gian dài. Thực ra ngay từ giữa tháng trước, Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet đã phát đi cảnh báo tương tự khi cho rằng: "Bằng chứng của áp lực tăng giá ngắn hạn chính là lạm phát tổng thể mà chủ yếu là do giá năng lượng tăng cao". Trong một phát biểu hôm 20/1, ông Trichet đã nhấn mạnh rằng, tăng lương theo đề nghị của Đức như một phần của Hiệp ước Cạnh tranh vào lúc này là một hành động sai lầm. Theo ông, mặc dù giá cả đang cao hơn mức độ được coi là ổn định của thị trường và ECB "không thể làm gì trước sự gia tăng của giá nhiên liệu và hàng hóa". Nhưng các nhà điều hành của ECB sẽ phải làm mọi cách để tránh hiện tượng mà các chuyên gia gọi là "hiệu ứng vòng hai". Hiện, lạm phát khu vực đồng Euro đang ở mức 2,4%, cao hơn mục tiêu 2% của ECB do hoạt động tại các nhà máy và khu vực tư nhân trong Eurozone tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 2 đã đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Tại Anh, một trong những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế giá trị gia tăng đã góp phần khiến chỉ số giá tăng 4%, mức đỉnh trong 26 tháng qua. Bộ trưởng Bộ Tài chính George Osborne đã cho rằng: "Bất kì sự can thiệp tiền tệ nào thuộc thẩm quyền và khả năng của Ngân hàng Trung ương Anh cũng có thể dẫn đến tình trạng tăng giá nhất thời và đe dọa lâu dài đến lạm phát". Ông cũng nhấn mạnh, Ngân hàng Trung ương Anh đã làm tốt việc kìm chế lạm phát trong thời gian qua. Đây được coi là động thái trấn an dư luận sau khi có nhiều ý kiến cho rằng lạm phát tại Anh sẽ tăng lên 4,4% trước khi giảm vào giữa năm 2012.
Các khoản vay qua đêm khẩn cấp tăng rất cao trong vài ngày qua cũng khiến Ngân hàng đầu não châu Âu này phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về hoạt động cấp vốn. Số liệu ECB cho thấy, các ngân hàng đã vay hơn 16 tỷ Euro với chi phí cao để tài trợ khẩn cấp qua đêm, số tiền cao nhất kể từ tháng 6/2009. Con số này cao hơn rất nhiều so với 1,2 tỷ Euro mà các ngân hàng đã vay trước khi tăng lên đến hơn 15 tỷ Euro vào ngày 17/1. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do một số ngân hàng, chủ yếu ở các quốc gia đang gặp vấn đề về nợ trong khu vực châu Âu và các ngân hàng đang gặp khó khăn ở các nước lớn, vẫn còn bị cấm tham gia vào thị trường tiền tệ mở và gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sự tài trợ của ECB.