Ý kiến của Bộ Công Thương về lô hàng mỳ Hảo Hảo bị thu hồi tại Pháp

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Đại diện Bộ Công Thương cho hay các sản phẩm của Acecook Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp bị yêu cầu thu hồi là lô hàng đã được xuất khẩu từ tháng 7/2021.

Trước thông tin mỳ tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mỳ Đệ Nhất và mỳ lẩu thái của Acecook Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp yêu cầu bị thu hồi do các sản phẩm trên chứa 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hóa từ ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU, đại diện Bộ Công Thương cho hay đây là lô hàng đã được xuất khẩu từ tháng 7/2021.

Mỳ tôm Hảo Hảo. (Nguồn: Vietnam+)

Ngay sau khi sản phẩm của Acecook bị thu hồi tại Ireland và cảnh báo ở Hà Lan, Đức tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát và kiểm tra lại toàn bộ danh mục sản phẩm cũng như quy trình sản xuất sản phẩm đang phân phối của doanh nghiệp. Theo đó, kết quả cho thấy các sản phẩm được bán trong nước của Acecook Việt Nam đều không chứa EO.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết thêm: Bộ đã mở rộng kiểm tra với các sản phẩm mỳ ăn liền của nhãn hàng này ở Việt Nam. Do quy mô kiểm tra, rà soát trên phạm vi rộng, kết quả cuối cùng đang được các cơ quan liên quan tổng hợp và công bố khi có kết quả.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo quy định về tiêu chuẩn liên quan tới chất EO trong thực phẩm, thay thế cho quy định trước đó nhằm phù hợp với thực tế và các tiêu chuẩn mới, đảm bảo sức khỏangười tiêu dùng.
Trước đó, ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô mỳ ăn liền do có chứa chất ethylene oxide; trong đó, có mỳ tôm chua cay Hảo Hảo và phở Good của Acecook Việt Nam, ngoài ra còn có mỳ hải sản Yato xuất xứ Trung Quốc.
Theo website của cơ quan này, EO không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở thị trường EU. Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chứa chất này không gây nguy hiểm ngay nhưng sẽ có vấn đề về sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài. Do đó, cơ quan này khuyến cáo cần hạn chế tối đa với việc tiếp xúc với chất EO.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin, Bộ Công Thương đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất, sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mỳ Hảo Hảo, miến Good do công ty sản xuất.
Khi xuất hiện thông tin một số loại mỳ ở Việt Nam xuất khẩu sang EU bị thu hồi vì chưa chất EO, lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng đã lên tiếng thông tin chi tiết về việc kiểm soát dư lượng chất ethylene oxide trong quá trình sản xuất thực phẩm ở một số quốc gia trên thế giới.
Cụ thể, lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc ở nhiều quốc gia, kể cả sản xuất tại các nước thuộc EU, đã bị cảnh báo về hàm lượng hợp chất ethylene oxide vượt giới hạn dư lượng cho phép theo quy định của khu vực này.
Cuối năm 2020, Vương quốc Bỉ đã thông báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) về việc dư lượng EO trong nhiều lô hạt vừng từ Ấn Độ vượt rất nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép là 0,05 mg/kg.
Xuất phát từ vụ việc này, nhiều quốc gia EU đã tăng cường kiểm tra dư lượng EO trong các sản phẩm thực phẩm. Tới thời điểm này, theo dữ liệu của RASFF, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan 208, Đức 90, Bỉ 79, Tây Ban Nha 49, Pháp 30 và Italy 28.
Ethylene oxide (EO), hay còn gọi là oxiran, là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.
EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô, đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế... nhằm diệt khuẩn Salmonella.
Theo đại diện Bộ Công Thương, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác.
Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm trước khi xuất khẩu.