KTĐT - Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nắm được thông tin căn bản, công cụ và kinh nghiệm quản lý đối ngoại.
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các hiệp hội Việt Nam” do Ủy ban châu Âu (EU) tài trợ, ngày 14/7, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức hội thảo nhằm giúp các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao năng lực quan hệ đối ngoại.
Hội thảo xác định, quản lý đối ngoại là chiến lược nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nắm được thông tin căn bản, công cụ và kinh nghiệm quản lý đối ngoại.
Muốn được như vậy, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tuân thủ một số nguyên tắc, tập quán quốc tế phổ biến, cần xác định đối tượng nào là đồng minh đối với từng ngành hàng, mặt hàng và có hiểu biết cụ thể về thực tế và tập quán của mỗi thị trường như việc bảo hộ mạnh các mặt hàng gạo và nông sản ở Nhật Bản; bảo hộ mạnh nông sản, đặc biệt là sữa tại châu Âu; sự nhạy cảm về thủy sản, dệt may tại Mỹ; tiêu chuẩn SPS rất nghiêm khắc tại các nước phát triển.
Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp phải nắm vững một số quy định không thể bỏ qua hoặc cưỡng lại như bán phá giá, hệ thống công pháp quốc tế, hiệp định tư pháp song phương và đa phương, đồng thời cập nhật tình hình của ngành sản xuất hoặc sản phẩm của đối tác nước ngoài; phải tôn trọng sự nghiêm túc, trung thực, coi trọng chữ tín trong quan hệ với đối tác nước ngoài; thường xuyên rút kinh nghiệm và chia sẻ bài học thành công hay thất bại.
Dự án trên nhằm hỗ trợ các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực để trở thành một đối tác tư vấn hiệu quả cho Chính phủ Việt Nam về chính sách và các vấn đề liên quan đến tiếp cận thị trường; tăng cường năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong việc hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên về các vấn đề thương mại liên quan đến EU./.