Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU không đạt được thỏa thuận về chống trốn thuế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng về chống trốn thuế, một trong những vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự tại hội nghị diễn ra ở Brussels (Bỉ) ngày 14/5.

Ủy viên châu Âu phụ trách thuế và hải quan, ông Algirdas Semeta đã bày tỏ sự thất vọng khi phải chứng kiến thỏa thuận sửa đổi về "Đạo luật đánh thuế tiền gửi của EU" bị bế tắc tại cuộc họp này.

 
EU không đạt được thỏa thuận về chống trốn thuế - Ảnh 1
 
Chủ tịch Khu vực đồng tiền chung châu Âu (trái), Cao ủy EU phụ trách kinh tế-tiền tệ (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Ireland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông, thỏa thuận chống trốn thuế với những quy định chặt chẽ hơn là rất quan trọng đối với tất cả các nước thành viên EU nhằm xác định dễ dàng hơn và truy tìm những đối tượng trốn thuế trong EU.

Ông Semeta cho rằng thật đáng tiếc nếu công cụ chống trốn thuế này lại không được coi trọng. Luxembourg, một trong những nước nhỏ nhất song lại là một trong những nước giàu nhất của EU, đã nói "không" với thỏa thuận chống trốn thuế.

Mặc dù vậy, ông Semeta đánh giá cao việc hội nghị đạt được một số thành công, theo đó các nước thành viên nhất trí với thời hạn chót cho phép Ủy ban châu Âu (EC) đàm phán với các nước được ví như thiên đường thuế là Thụy Sĩ, San Marino, Andorra, Liechtenstein và Monaco về các thỏa thuận đánh thuế tiền gửi với những quy định chặt chẽ hơn.

Ông cho rằng sự hợp tác lớn hơn và minh bạch hơn về thuế giữa các nước thành viên EU có thể mang về cho ngân sách của khối hàng tỷ euro tiền thuế hợp pháp.

Các bộ trưởng Tài chính EU cũng nhất trí bảo vệ những khách hàng có tài khoản tiền gửi dưới 100.000 euro tại các ngân hàng bị đóng cửa.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Ireland (nước đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU), ông Michael Noonan khẳng định trong bất kỳ tình huống nào, các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro đều được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối Michel Barnier, những khách hàng có số tiền gửi lớn hơn cũng sẽ được đảm bảo một phần trong trường hợp ngân hàng phá sản. Hầu hết các bộ trưởng Tài chính EU đều ủng hộ quan điểm những khách hàng có tài khoản tiền gửi trên 100.000 euro nên được hưởng một qui chế đặt quyền.

Quan điểm trên dường như khai thông một vấn đề nóng sau khi các định chế cho vay quốc tế không thực hiện được nỗ lực áp mức thuế 6,7% đối với các khoản tiền gửi ngân hàng dưới 100.000 euro tại các ngân hàng Síp hồi tháng Ba vừa qua.

Quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra vào tháng cuối tháng Sáu tới.