EU tăng tốc tìm giải pháp chặn đứng "cơn sốt" giá khí đốt

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để bảo vệ người tiêu dùng trước giá năng lượng tăng kỷ lục khi mùa Đông sắp đến, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ “bật đèn xanh” cho các biện pháp khẩn cấp của 27 nước thành viên, trong đó có việc quy định giá trần và trợ cấp, tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra giữa tuần này.

Các nước EU đang đẩy nhanh các biện pháp ngắn và trung hạn để ứng phó với giá điện và khí đốt tăng cao kỷ lục gần đây, bao gồm nhóm phương án được gọi là "hộp công cụ" được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 13/10 vừa qua. Giá khí đốt tại châu Âu tăng kỷ lục đã đẩy giá bán buôn điện tăng 200% trong 9 tháng đầu năm nay. Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, 20 nước thành viên EU đã nhất trí đưa ra các biện pháp khẩn cấp, bao gồm cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình khó khăn.
 Các nước EU đang đẩy nhanh các biện pháp ngắn và trung hạn để ứng phó với giá điện và khí đốt tăng cao kỷ lục gần đây. Ảnh: DW
Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu hoan nghênh đề xuất mới nhất của EC và hối thúc các nước thành viên EU sớm thực hiện giải pháp này để hỗ trợ người tiêu dùng. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của một tổ chức lao động, khoảng gần 3 triệu lao động tại EU không đủ tiền sử dụng hệ thống lò sưởi do giá khí đốt tăng cao. Monique Goyens - Giám đốc Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu, nói rằng chính người tiêu dùng đang chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại “lục địa Già”.
Tính đến nay, 20 quốc gia thành viên EU đã áp dụng các biện pháp nêu trên, bao gồm áp giá trần, cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình khó khăn. Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha - những quốc gia chứng kiến giá năng lượng leo dốc mạnh trong thời gian gần đây, đã cắt giảm thuế năng lượng, bỏ thuế 7% đối với sản xuất điện, giảm thuế năng lượng cho người tiêu dùng từ 5,1% xuống 0,5% và giảm thuế bán hàng đối với năng lượng gia dụng từ 21% đến 10%.
Ngoài ra, EC tuyên bố họ cũng sẽ xem xét kế hoạch mua chung và dự trữ khí đốt, ý tưởng được Tây Ban Nha đề xuất gần đây. EU hiện phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu, chủ yếu từ Nga. Cách tiếp cận như vậy sẽ cho phép các quốc gia thành viên có thêm “đòn bẩy” khi đàm phán mua khí đốt với với các nhà cung cấp, cũng như quản lý hiệu quả nguồn dự trữ năng lượng. Bà Kadri Simson, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng EU nói rằng việc tham gia vào chương trình mua chung sẽ là tự nguyện "và chương trình nên tôn trọng các quy tắc cạnh tranh".
Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức họp thượng đỉnh từ ngày 21-22/10 để bàn thảo các giải pháp để giảm thiểu những tác động của giá nhiên liệu tăng, trong đó có nhóm phương án được gọi là "hộp công cụ", cho phép các nước thành viên EU áp dụng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp trong ngắn hạn cho các công ty châu Âu và người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất. Sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra giữa tuần này, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường trong ngày 26/10 để thảo luận về vấn đề giá năng lượng tăng cao đột biến.
Về dài hạn, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng EU cần đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, qua đó có thể giúp liên minh này không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu, đồng thời có thể bình ổn giá năng lượng.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng mục tiêu vừa kiềm chế giá điện, vừa đảm bảo cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang là bài toán khó với châu Âu, bởi châu lục này vẫn phải dựa vào khí đốt để phát điện, dù tỷ trọng năng lượng tái tạo đã cao hơn.
Bà Elena Anankina, chuyên gia phân tích tín dụng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ), đánh giá với tình trạng chênh lệch cung cầu hiện tại, EU khó có khả năng sớm tìm được một giải pháp lâu dài, bởi sự phụ thuộc của các nước trong liên minh vào nhập khẩu là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực nguồn cung. Hiện EU phải nhập khẩu đến 90% lượng khí đốt tiêu thụ./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần