Hôm 15/12, Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của năm. Một quan chức cấp cao của EU nhận định, các vấn đề mà EU cần giải quyết đều khó khăn và không khác gì đi qua “một bãi mìn”.
EU đã trải qua một loạt sự kiện ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi và sự bền vững của khối như cuộc khủng hoảng di cư, ông Donald Trump lên nắm quyền khiến hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và phương Tây lung lay, cuộc “ly hôn” giữa Anh - EU (còn gọi là Brexit) sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, kéo theo phong trào dân túy lên cao đe dọa đến sự đoàn kết của khối, cộng với nhiều bất đồng xung quanh vấn đề lệnh trừng phạt với Nga.
Trong đó, vấn đề gây tranh cãi nhất vẫn là việc đàm phán các điều khoản về Brexit với tham vọng về một kịch bản "Brexit mềm" của London và đe dọa về nguy cơ "Brexit cứng" của lãnh đạo EU.
Mặc dù Brexit chưa chính thức được kích hoạt, hội nghị thượng đỉnh của EU lần này thiếu vắng dấu ấn của bà Theresa May - chính trị gia nổi bật của Liên minh trong năm nay. Thủ tướng Anh vắng mặt trong buổi tiệc tối - nơi các nguyên thủ EU có thể thảo luận độc lập về cách thức và các điều khoản thương lượng với Anh khi khởi động tiến trình tách khỏi EU. Hiện, vai trò của Nghị viện châu Âu chỉ là thông qua kết quả cuộc thương lượng sắp tới về Brexit, chứ không tham gia việc ra quyết định trong thương lượng với Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, trước thềm cuộc họp thượng đỉnh, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng, các nghị sĩ EU cần có vai trò và tiếng nói trong các cuộc thương lượng về Brexit. Ông Schulz chỉ trích các dự thảo kế hoạch hiện nay chỉ giao vai trò chính cho EC trong khi nghị viện chỉ có vai trò “thứ yếu" khi đàm phán về Brexit. Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU còn lại sẽ ra một tuyên bố chung khẳng định quan điểm muốn khởi động đàm phán ngay khi Chính phủ Anh chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon về Brexit vào cuối tháng 3/2017.
Ngoài Brexit, lệnh trừng phạt với Nga cũng là thách thức mà EU chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện tại thời điểm một loạt các quốc gia châu Âu chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử, chuyển giao đội ngũ lãnh đạo, báo hiệu chiều hướng ngoại giao thay đổi với Nga. Tại Italia, Ngoại trưởng Paolo Gentiloni được chỉ định làm tân Thủ tướng. Ông Gentiloni là người chủ trương cân bằng trong chính sách với Nga. Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu chủ trương đường lối cứng rắn với Nga, Rome duy trì chính sách ngoại giao ôn hòa hơn với Moscow, cho rằng phương Tây nên làm việc chặt chẽ hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Ngoài ra, ông Francois Fillon - ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử Pháp vào năm sau cũng là người ủng hộ nối lại quan hệ với Moscow. Ông Fillon ủng hộ việc bãi bỏ lệnh trừng phạt kinh tế với Nga và theo đuổi chính sách ngoại giao khôi phục quan hệ với Moscow. Trong khi đó, Pháp và Đức - 2 nền kinh tế hàng đầu EU vẫn thúc giục các nước thông qua việc kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. Do vậy, giới phân tích dự báo, EU rất khó đạt được sự đồng thuận về một biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Moscow.
Các chuyên gia nhận định, thách thức mà EU đang và sẽ phải trải qua trong tương lai đều có tác động lớn đến sự ổn định của EU ở tầm chiến lược. Thậm chí, năm 2017, tình hình sẽ còn được dự báo là tiếp tục gia tăng khi các cuộc bầu cử ở 2 cường quốc đầu tàu là Đức và Pháp đang đến rất gần.