Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU tìm cách chặn làn sóng thâu tóm công ty công nghệ của Trung Quốc

Lan Hương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên Minh châu Âu (EU) đang soạn thảo các điều luật ngăn công ty nước ngoài thâu tóm các công ty công nghệ nội quan trọng trước làn sóng thu mua từ Trung Quốc.

EU dự kiến sẽ đưa ra các đề xuất cứng rắn ngay trong mùa thu này. Các quy định này được cho là nhắm vào Trung Quốc khi một làn sóng mua lại công ty châu Âu của Bắc Kinh đang trỗi dậy trong khoảng vài năm gần đây.
Các lo ngại lớn dần theo cơn sốt đầu tư từ các công ty Trung Quốc tại châu Âu tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài năm qua. 
Đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh tại châu Âu đạt 13 tỉ Euro năm 2014 và tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2015, đạt đỉnh điểm 35 tỉ Euro vào năm ngoái. Đáng lo hơn khi xu hướng đầu tư của Trung Quốc chuyển từ đầu tư thu lời nhanh sang thâu tóm các công ty công nghệ cao, áp dụng trực tiếp cho quân đội.
 Nhà sản xuất robot Kuka của Đức đã bị Midea của Trung Quốc mua lại.
Trước đó, vào tháng 7/2017, Đức đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn các công nghệ tiên tiến lọt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài sau khi tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot Kuka hồi năm ngoái. 
Một báo cáo chung của Đức, Pháp, Italia sau đó cũng kêu gọi Brussels hành động trước các vụ thâu tóm của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. 
Phần lớn các vụ thâu tóm, khoảng 70%, là do các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, theo Viện nghiên cứu Mercator có trụ sở tại Đức. 
Theo quy định, chính quyền các nước châu Âu có quyền can thiệp nếu thoả thuận liên quan đến lợi ích quốc gia như quốc phòng, năng lượng, ổn định tài chính và an ninh. 
Tuy nhiên vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quy định ngăn chặn. Chẳng hạn tại Đức, chính quyền hầu như không hay biết điều gì đang diễn ra bởi không có quy định nào bắt buộc các vụ thâu tóm của nước ngoài phải thông báo với nhà chức trách. 
Ngoài ra, nhiều nước, đặc biệt là các thành viên nghèo hơn của EU, cũng ngần ngại ngăn cấm mạnh tay bởi sợ chọc giận các nhà đầu tư Trung Quốc.