Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU tìm cách cứu Hy Lạp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn địa chấn từ Athens đã lan ra khắp các thị trường của châu Âu, làm lung lay sự ổn định của liên minh châu Âu (EU) vốn được thành lập để duy trì sự thịnh vượng tại Lục địa già.

Với những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu Hy Lạp vỡ nợ và “tháo chạy” khỏi khối, EU đã phải giành thế chủ động trong cuộc chạy đua nhằm giữ Hy Lạp ở lại khối.

Berlin “đấm”, Paris “xoa”

Tại Berlin, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho biết, nước này sẽ tham gia các cuộc đàm phán về các điều khoản cứu trợ với chính phủ mới của Hy Lạp nhưng đã cảnh báo, Athens cần phải hành động nhanh chóng trước khi châu Âu đánh mất sự kiên nhẫn của mình về chương trình thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp đã cam kết thực hiện. Theo ông Schauble, dù EU cần sự đoàn kết và cố gắng bảo vệ sự ổn định của lien minh nhưng điều đó không có nghĩa là Hy Lạp có thể thoải mái gây sức ép với các chủ nợ quốc tế.

 
Khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp đang đe dọa làm đổ vỡ các chính sách kinh tế của Eurozone sau nhiều năm khủng hoảng.
Khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp đang đe dọa làm đổ vỡ các chính sách kinh tế của Eurozone sau nhiều năm khủng hoảng.
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls hiện đang ở thăm Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu sự lo lắng của Bắc Kinh trước những diễn biến tại Hy Lạp. Trung Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư nắm nhiều cổ phiếu của châu Âu nhất hiện nay. Theo Thủ tướng Valls, Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại Eurozone và EU sẽ nỗ lực giúp Athens vượt qua khủng hoảng nhưng với điều kiện nước này phải tôn trọng các cam kết của mình với các chủ nợ quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế Pháp tiếp tục rơi vào tình trạng giảm phát, Thủ tướng Valls hy vọng sẽ thuyết phục được Trung Quốc rót tiền vào các dự án đầu tư và đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp nước này. Tuy nhiên, những diễn biến tại Hy Lạp khiến nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định đầu tư vào lãnh thổ châu Âu.

EU cam kết giúp Hy Lạp

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone bất ngờ giảm trong tháng 12/2014 xuống còn 11,4% - mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua, kể từ tháng 8/2012. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã cảnh báo tỷ lệ này sẽ ít được cải thiện trong tương lai do nhiều nước vẫn phải vật lộn với nợ nần và giảm phát. Ngoài ra, sự chênh lệch của tỷ lệ thất nghiệp giữa các quốc gia trong khu vực là khá lớn khiến tình trạng người dân từ các quốc gia “vùng trũng” tràn sang các quốc gia có nền kinh tế khá hơn để tìm việc sẽ gây ra những tác động nhất định đến sự đoàn kết nội khối. Hy Lạp vẫn giữ kỷ lục về thất nghiệp với 25,8%; Tây Ban Nha ở mức 23,7%. Tỷ lệ này thấp nhất ở Đức với 4,8%, và tiếp sau là Áo với 4,9%.

Quyết tâm giữ Hy Lạp ở lại con tàu Eurozone được thể hiện ở một loạt các chuyến thăm của những quan chức hàng đầu EU tới Athens. Ngay sau chuyến làm việc của Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz hôm 29/1, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực Eurozone (còn gọi là Eurogroup) Jeroen Dijsselbloe cũng có cuộc đàm phán với tân Thủ tướng Alexis Tsipras, tân Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis. Những cuộc đàm phán cho thấy, các bên đều thống nhất sẽ gạt bỏ mọi bất đồng để tìm được điểm chung, tuy nhiên vẫn cần một chặng đường dài để tìm được định hướng tương lai cho Hy Lạp. Với những gì mà ông Tsipras đã tiến hành trong vài ngày qua để hiện thực hóa cam kết tranh cử của mình, các chủ nợ quốc tế và các quan chức tài chính EU sẽ gặp nhiều khó khăn để ép Athens thực hiện các điều khoản của chương trình cứu trợ. Trong một nỗ lực nhằm dàn xếp bất đồng và tìm kiếm sự giúp đỡ của châu Âu, lịch trình làm việc của các quan chức Hy Lạp trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Bộ trưởng Yanis Varoufakis sẽ tới London trong ngày Chủ nhật trước khi đến Pháp, Tây Ban Nha và Italia để gặp các quan chức chủ nhà.

Vấn đề Hy Lạp sẽ rời khỏi hay ở lại Eurozone vẫn còn là câu chuyện dài và phụ thuộc rất lớn vào quan điểm, thiện chí của các bên. Tuy nhiên, vì sự ổn định và uy tín của đồng tiền chung, Eurozone sẽ tìm mọi cách để giữ Hy Lạp ở lại với liên minh tiền tệ này dù không hề muốn trở thành một “khu vực vỡ nợ chung” của thế giới. Đó là chưa kể đến việc những khó khăn hiện nay đã khiến Athens xích lại gần Nga hơn bao giờ hết. Tân Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias trong cuộc gặp với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đã chỉ trích các đồng minh EU hôm thứ Ba vừa qua đã nhất trí duy trì gói trừng phạt nhằm vào Nga mà không tham khảo ý kiến của Athens. Trong khi đó, tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulzvới tân Thủ tướng Alexis Tsipras, hai bên đã không thể vượt qua các bất đồng liên quan đến vấn đề trừng phạt Nga. Nếu để Athens xích lại gần Moscow hơn, Eurozone và EU không chỉ mất đi một thành viên mà còn tạo điều kiện để Nga gia tăng sự hiện diện ngay trên lãnh thổ của Lục địa già.

Mong muốn và diễn biến thực tế có sự mâu thuẫn sâu sắc đã khiến cho các quan chức châu Âu bị mắc kẹt trong các chính sách của chính mình. Vì thế, dùng cách vừa đấm, vừa xoa, vừa cảnh báo vừa thuyết phục dường như là cách duy nhất để Eurozone giữ không để cho “mồi lửa” bất ổn tại Hy Lạp lan sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một số quốc gia đang bất mãn với chính sách thắt lưng buộc bụng khác.